Ba mươi lăm năm trước, khi mới vào nghề, tôi quen và có dịp làm việc cùng anh Lư Viên – Triều Nguyên, vừa là nhà giáo và cũng vừa là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Sinh thời, mỗi lần ra mắt một cuốn sách, mà cả sự nghiệp anh đến hàng trăm đầu sách, tôi là một trong số ít những người được anh khoe và dĩ nhiên, kèm theo nữa là được tặng sách. Nhớ có lần hàn huyên anh bảo đầy tự hào, rằng sau này mất đi, anh muốn xung quanh quan tài của mình xếp đầy những cuốn sách của Lư Viên – Triều Nguyên. Cứ tưởng còn lâu nữa, nào ngờ anh đã sớm ra đi. Đám tang anh trong đợt dịch COVID-19 leo thang, tôi không viếng thăm được nhưng cứ nhớ và ám ảnh mãi chuyện anh khoe sách và tâm sự cuối cùng của anh.
Cũng chuyện khoe sách là giám đốc một công ty in và cũng là thầy giáo cũ của tôi. Mỗi lần in sách hay, sách đẹp cũng đều khoe. Nhờ được khoe và được thầy tặng sách mà tôi đã có được những bộ sách xưa hiếm, như “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục” hay những tập sách Huế khó tìm như “Nghiên cứu Huế”. Thầy bảo, thời còn làm giám đốc, mỗi lần công ty nhận in bộ sách quý, ông đều để dành tặng một số vị lãnh đạo địa phương và bạn bè thân hữu ham đọc và thích có sách để đọc và để khoe. Gần ngày về hưu, ông thuê mấy chiếc xích lô chở sách về nhà, bảo để sau này rảnh rỗi đọc. Mà ông đọc thiệt, dù hay ốm đau thường xuyên. Đọc xong cuốn nào hay là khoe ngay với tôi.
Những ngày qua, Nhà xuất bản Thuận Hóa tổ chức Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam. Cũng nhân dịp này, Giám đốc Nguyễn Duy Tờ ra mắt tập ký sự “Theo đường xuất bản, theo đường văn”, ghi lại những buồn vui qua 35 năm làm sách và xuất bản. Tờ là chỗ thân quen và trong chuyện trò với tôi, anh vẫn có thói quen… khoe sách. Đã mấy chục năm rồi mà tôi không quên được tâm trạng háo hức và quyết mua cho đủ trọn vẹn bộ sách “Những người bạn Cố đô” (B.A.V.H) được Thuận Hóa thực hiện từ năm 1993 và hoàn tất sau đó 22 năm. Sự chờ đợi đó bắt đầu từ chỗ trước đó được Tờ… khoe.
Không còn nghi ngờ về thú đọc sách và tình yêu sách của người Huế xưa nay như một nét đẹp văn hóa. Cũng đã từ rất lâu, người Huế còn chơi sách, một thú tiêu khiển, vừa giống lại vừa khác với đọc sách. Giống là bởi người chơi sách cũng phải bỏ tiền mua sách, cũng đọc những cuốn sách mình mua và cũng phải tổ chức không gian để bảo quản và trưng bày. Khác ở chỗ chơi sách là những nhà sưu tầm chuyên nghiệp. Còn nữa, người đọc sách thường chỉ mua một ấn bản của một tựa sách để đọc và lưu trữ, trong khi người chơi sách thì thường sưu tập tất cả những bản sách được in nhiều lần của một tựa sách.
Từ giữa năm 2020, ông Phan Ngọc Thọ, nay là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng “Tủ sách Huế” nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa giáo dục và văn hóa của vùng đất Cố đô. Từ rất lâu, ngay từ ngày đầu thành lập, Thuận Hóa đã có ý tưởng giới thiệu bằng sách hình ảnh Huế như một vùng văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Tôi tin rằng, “Tủ sách Huế” sẽ bao gồm và có sự kế tục những gì mà Thuận Hóa đã gầy dựng và phát triển. Lại nghĩ, “Tủ sách Huế” cũng là cách người Huế mình khoe sách.
Khoe được hiểu theo nghĩa nói lên cái đẹp, cái tốt, cái hay, thường được cố ý tăng lên. Cũng bởi vì thế nên rất nhiều người cảm thấy khó chịu khi có ai đó bảo rằng hay khoe với ngụ ý khoe khoang. Thế nhưng, khoe sách lại là câu chuyện khác. Sách là văn hóa, trí tuệ và rất đáng được khoe.
ĐAN DUY