Bộ đôi cơm nước

Một người bạn mới đăng cái ảnh lên facebook cái ảnh lon ghi-gô (Guigoz) và chiếc bi đông và hỏi: “Có ai nhớ cặp đôi này một thời không rứa?”. Tất nhiên là sẽ có rất nhiều người nhớ, nhất là thế hệ 7x trở về trước. Tôi thì thích gọi hai kỷ vật này là “bộ đôi cơm nước”.

Đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp cái lon ghi-gô mà gọi cho gọn là lon gô này ở một nhà nào đó. Chủ nhà dùng lon gô làm cái ống đựng đũa, muỗng nơi góc bếp hay đựng mấy thứ đồ lặt vặt để ngay trên cái kệ tủ chẳng hạn. Có lẽ nó đã gắn bó với ngôi nhà đó cũng vài chục năm rồi. Lon gô hồi những năm 1970-1980 hầu như nhà nào cũng có cả. Công dụng thường nhật của nó là bới cơm. Người nông dân bới cơm ra đồng, trên là thức ăn, dưới là cơm trắng dưới độn mấy lát khoai sắn. Mấy bác làm cán bộ hợp tác, cán bộ xã, đạp xe đi huyện họp cũng bới theo cái lon gô cơm, phía trên mặt gác vài con cá nục kho với ớt xanh đã là bữa cơm sang hồi đó. Cái hay của cái lon gô là chỉ cần bới vừa đầy lon cơm với thức ăn thì đã đủ một bữa no. Nó lại gọn, nhìn sạch sẽ và rất bền.

Lon ghi-gô chỉ là cái vỏ đựng sữa nhưng trở thành vật dụng gần gũi với đời sống người dân từ quê đến phố một thời. Đặc biệt, lon gô gắn bó nặng tình nặng nghĩa với đời sống người bình dân. Người thiết kế ra chiếc lon thon dài, có những đường viền nổi, có nắp đậy kín là ai, không ai biết. Nhưng chắc rằng, khi sáng tạo ra loại lon đặc biệt này cho nhãn sữa ghi-gô, người sáng tạo cũng không thể ngờ được rằng, nó hữu dụng, đa năng đến như vậy…

Tôi có một người bạn học sinh thiếu tháng, hình như khi sinh ra chỉ bằng cái lon gô nên cha mẹ đặt luôn là cu Gô, lớn lên đi học cùng cái tên chính cũng ghép chữ Gô sau gọi là Vinh Gô. Mà cái lon gô đó không chỉ để đựng cơm hay các đồ vật mà hồi trước người dân quê tôi còn dùng nó để nung muối sống thành muối bột. Người ta bỏ những hạt muối sống đầy lon rồi vùi vào bếp trấu đang cháy đượm. Muối sống thành muối chín, giã nhỏ ra ăn với cháo trắng thiệt ngon.

Và lon gô còn có một công dụng rất đặc biệt cho những nhà có của ăn của để, đó là đựng vàng. Tôi nghe kể có một cô gái làng tôi, lấy chồng là con một nhà giàu có ở một ngôi chợ lớn ven phá Tam Giang. Sau đám cưới, bà mẹ chồng kêu con dâu lên gác để cho coi của, bà đem mấy cái lon gô đổ vàng ra giữa nền gác. Cô con dâu thấy vàng nhiều quá, giật mình té xỉu lăn từ trên gác xuống cầu thang. Cũng may là không có chuyện gì xảy ra cả…

Lon gô đựng cơm, còn cái bi-đông là đựng nước. Bi đông bằng nhựa cứng bền chắc. Đi làm đồng, đi công cán có cơm thì có nước. Ăn xong lon gô cơm, ngửa cổ lên làm mấy ngụm nước lá khô hay nước chè xanh từ cái bi-đông là thấy chắc bụng, rồi lăn ra giữa cỏ ngủ một giấc ngắn rồi lại tiếp tục xuống đồng cày cấy hay gặt hái. Bộ đôi cơm nước này cứ thế là vật bất ly thân của bao người một thời nghèo khó…

Lon gô ngoài việc bới cơm còn để đựng vàng bạc châu báu; còn cái bi-đông thì có thêm công dụng là đựng rượu. Thanh niên làng tôi có một thú vui đó là lên độn cát ngắm trăng, thưởng gió và uống rượu. Thường họ bới một bi-đông đầy rượu gạo thêm một bì cá chỉ vàng. Một bình bi-đông rượu cứ vòng quanh mỗi người chừng nửa nắp bi-đông để chuyện trò, hát hò. Uống đến khuya hết rượu thì cũng đủ say và cứ thế nằm trên cát trắng mà ngủ cho đến sáng…

Phi Tân

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …