Tản mạn chuyện quán xá

Cuộc sống không thể thiếu những quán xá. Nhiều quán bán hàng đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng khách với sự phục vụ tận tình, chu đáo. Hằng ngày, tôi và bạn bè cũng đã gặp rất nhiều quán ăn, quán bán hàng dù sang trọng hay dân dã nhưng chất lượng đến cung cách phục vụ luôn ân cần, niềm nở, giá cả phải chăng, hợp lý, lấy chữ “tín” làm đầu, nên chúng tôi rất hài lòng.

Tuy nhiên, đây đó chuyện cân thiếu, không đủ cũng đã xảy ra, chất lượng đến thái độ phục vụ khách hàng vẫn còn điều đáng nói. Hôm đến nhà người bạn chơi, nói đến chuyện mua bán, chị than phiền mới mua hàng trên mạng nhưng không đảm bảo chất lượng và số lượng như lời quảng cáo, giới thiệu. Anh chồng cũng góp thêm chuyện, có lần anh cùng bạn đi tham quan một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, trên đường về đã ghé chợ mua mười ký trái cây để làm quà, tối về nhà cân lại thì chỉ còn hơn… tám ký. Một người bạn khác của tôi lại kể, anh đến một quán để ăn sáng, mặc dù đang thưa khách, gọi đến lần thứ ba mà chủ quán chỉ liếc nhìn với vẻ mặt “vô cảm” mà chẳng nói một lời nào, nhưng mắt thì không rời vào màn hình ti vi để xem bóng đá. Đợi một lúc lâu mà vẫn không được phục vụ nên anh bực mình bỏ đi. Anh nói, bán quán kiểu gì mà “chảnh” đến thế!

Cách đây gần ba mươi lăm năm ngày tôi vào miền Tây công tác với bao bỡ ngỡ nơi đất lạ xứ người. Độc thân nên phải tự lo mọi việc từ đi chợ đến bếp núc, nấu nướng. Mỗi lần đi chợ để mua đồ là tôi rất “ngán” vì chật chội và sình lầy. Hàng cá rất phong phú, đa dạng, ngoài các loại cá còn có cua, tôm, rắn, rùa, ba ba, lươn, ếch, nhái… nên rất đông người. Khi ra khỏi chợ áo quần cũng bẩn hết. Ngại nhất là việc trả giá để làm sao khỏi bị “hớ”. Sau nhiều lần đi chợ, một số người đã quen mặt, lại biết tôi là thầy giáo nên hay được “ưu tiên” hơn những khách hàng khác như được mua trước, giá cả cũng phải chăng, thậm chí có lúc lại được rẻ hơn là khác.

Một hôm tôi ghé chợ mua vải để may quần áo, anh chủ quán nhiệt tình đón tiếp. Trong khi đang loay hoay chọn lựa thì anh đưa ly cà phê mời tôi. Xong việc, trả tiền nhưng anh nói để lúc nào tôi đi chợ ghé trả cũng được. Tôi cũng hơi bị bất ngờ vì không quen biết anh ta. Hỏi lý do, thì anh ta nói nhỏ nhẹ: “Giờ đang cuối tháng, lúc nào có lương thầy trả cho em cũng được!”. Hiểu ra, lại biết tôi là thầy giáo nên anh đã ứng xử như thế!

Lần khác, tôi vào chợ để mua chục quả quýt, chị bán hàng cẩn thận cho những quả quýt vào túi. Về nhà sắp vào đĩa thì thấy thừa bốn quả. Nghe vậy, bạn đồng nghiệp liền giải thích, có loại một chục là mười, nhưng có loại chục là mười hai hoặc mười bốn. Chục quýt ở nơi này là mười bốn quả.

Ở trung tâm thị trấn quán giải khát cũng khá nhiều. Lúc rảnh rỗi, thầy cô chúng tôi hay ghé quán nước và được đón nhận những lời hỏi thăm cùng cái bắt tay thân thiện từ chủ quán. Chúng tôi đến quán dăm bảy người, mỗi người một sở thích nên gọi nước uống cũng khác nhau. Cái “khéo”là khi đem nước ra, lần nào cũng vậy, chủ quán bỏ từng ly nước đúng vị trí từng người gọi mà không hề nhầm lẫn. Khi trả tiền, quán cũng không tính tiền lẻ của khách mà chỉ lấy số tròn. Có tối nhớ nhà, nhớ quê, tôi đến quán ngồi lặng lẽ một mình. Đoán tôi đang có “nỗi niềm”, “tâm tư” gì đó nên sau khi đưa ly cà phê, chủ quán ngồi lại hỏi thăm, chia sẻ đôi điều làm tôi cũng thấy ấm lòng…

Bán buôn, kinh doanh là cả một “nghệ thuật”, khách hàng là “thượng đế”, “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” nghe thì quá đỗi quen thuộc nhưng không phải ai cũng làm được.

LINH THIỆN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …