Thiết kế nội thất theo phong cách Japandi

Phong cách Japandi mang lại cảm giác yên bình, thoải mái

Japandi là phong cách hỗn hợp, được ghép từ tên 2 phong cách tạo ra nó bao gồm Japanese (phong cách Nhật Bản) và Scandinavian (phong cách Bắc Âu). Sự hòa trộn giữa hai phong cách này tạo nên một phiên bản mới, vừa trang nhã, tinh tế, vừa lịch lãm mà không kém phần hiện đại. Thiết kế nội thất theo phong cách Japandi mang lại sự ấm áp, và thoải mái so với phong cách tối giản trước đây.

Dù mang 2 phong cách riêng biệt, một phương Tây một phương Đông nhưng chung quy lại, giữa hai phong cách này có một số điểm chung nhất định. Đó là nội thất được tinh giản đến mức tối đa và ưu tiên những món đồ có giá trị sử dụng cao, có khả năng tạo điểm nhấn cho ngôi nhà.

Đặc trưng của thiết kế Scandinavian là sử dụng tông màu trắng và trung tính. Ngược lại, thiết kế của Nhật Bản lại thích sử dụng tông màu đất, lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Vì vậy, trong trang trí Japandi áp dụng cả hai cách phối màu này. Điểm nhấn của phong cách Japandi được tạo nên bởi 3 nguyên tắc chủ yếu: Màu sắc đối lập, chất liệu tự nhiên và phụ kiện độc đáo.

Chị Hoàng Minh Thi (TX. Hương Thủy) chia sẻ: “Vợ chồng mình muốn thiết kế một căn nhà thật đơn giản nhưng vẫn phải có điểm nhấn. Qua tư vấn và tìm hiểu, mình biết đến phong cách Japandi mang nhiều đặc điểm phù hợp, vừa nhẹ nhàng, tinh tế nhưng vẫn tạo được phong cách riêng. Chính vì vậy, vợ chồng mình quyết định xây nhà và chọn nội thất theo phong cách này”.

“Vợ chồng mình chọn tông màu nâu – be là màu sắc chủ đạo cho căn nhà bởi gam màu này trẻ trung, hiện đại và mang lại cảm giác thoải mái, bình yên. Sự tương phản giữa 2 gam màu này là điều cần thiết để tạo nên phong cách Japandi”, chị Minh Thi nói.

Theo anh Nguyễn Văn Mẫn, một kiến trúc sư tại TP. Huế, văn hóa Nhật Bản rất xem trọng những không gian từ thiên nhiên nên khi áp dụng vào trang trí nội thất cần tránh, và tiết chế số lượng vật dụng sử dụng. Đồ đạc không xếp chồng lên nhau dày đặc mà nên để thông thoáng, đảm bảo có đủ chỗ trống bên trong căn phòng.

Ngoài ra, các chất liệu như vải gỗ hay đất sét sẽ không được xử lý quá nhiều, để giữ nguyên nét đẹp thuần, dung dị, tự nhiên. Đặc biệt trong nhà sẽ không chứa quá nhiều nội thất nhằm đảm bảo sự thông thoáng.

Với phong cách Japandi, cây xanh cũng là một điểm nhấn chủ đạo không thể bỏ qua. Để nhấn mạnh khí chất dịu dàng, nhã nhặn của phong cách Nhật Bản, chúng ta có thể lựa chọn những loại cây có tán thưa, lá thanh mảnh, những loại cây trong nhà để tăng thêm phần tươi vui, mang lại sinh khí cho gia chủ.

Cách trang trí Japandi rất phù hợp với lối sống hiện đại. Ngôi nhà theo phong cách Japandi có thể tạo ra một môi trường sạch sẽ, lành mạnh và yên tĩnh giúp mình có thể thực sự thư giãn khi trở về nhà.

Anh Nguyễn Trọng, TP. Huế thông tin: “Khi thiết kế phòng ngủ, mình đã chọn dùng các vật liệu tự nhiên. Từ sàn gỗ, sàn bê tông, đồ nội thất bằng gỗ, khăn trải giường, đồ nội thất mây tre, đồ gốm sứ, đất nung và hạn chế tối đa những vật liệu từ kim loại”.

“Mình luôn cố gắng giữ mọi thứ thật đơn giản. Phòng khách kiểu Japandi luôn sử dụng chất liệu gỗ, đặc biệt là gỗ tự nhiên. Không gian mở, bố cục tự do, cho phép ánh sáng tự nhiên, thông gió và tầm nhìn xuyên suốt qua các khu vực khác nhau trong nhà”, anh Trọng nói.

Với phòng khách, việc sử dụng các chất liệu hữu cơ và tự nhiên, như đèn gốm và đèn giấy, chậu đất nung, len, gỗ thô, vải lanh và sợi gai hay những bức tranh mang thiên hướng Nhật Bản đều là những vật liệu tốt để trang trí phòng khách theo xu hướng Japandi.

Bài: CHÂU THÁI – Ảnh: NVCC

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …