Hữu Duy với niềm đam mê bonsai, tiểu cảnh
Đam mê không đợi tuổi
Khi còn là cậu học trò còn ngồi trên ghế nhà trường, Hữu Duy có niềm đam mê đặc biệt với các loại cây cảnh. Mỗi lúc nghỉ hè, cậu học trò cấp trung học phổ thông lại trở thành thợ phụ chuyên cắt, uốn tỉa cho các loại tiểu cảnh, bonsai. Anh chia sẻ: “Khi mình càng tìm hiểu thì những kiến thức về bộ môn này càng bao la, rộng lớn. Không chỉ cây cảnh đơn thuần, non bộ hay tiểu cảnh cũng đều có những quy tắc, chuẩn mực và đặc điểm riêng biệt”.
Năm 2010, chàng trai 9X thử sức với những công trình sân vườn, tiểu cảnh nhỏ. Để am hiểu sâu và bài bản hơn niềm đam mê này, anh quyết định thi vào khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. “Nhờ những tiết học trên lớp và kiến thức chuyên môn, mình làm nghề không còn theo dạng cảm tính mà bài bản và logic. Tăng dần theo tuổi nghề, kinh nghiệm và kiến thức học được, những công trình mình nhận cũng tăng diện tích, độ khó cũng như giá trị”, Hữu Duy nói.
Có mặt cùng các cộng sự tại công trình hồ cá koi trên đường Trần Văn Kỷ, chàng kiến trúc sư trẻ cùng nghệ nhân Nguyễn Văn Lộc, kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề cây cảnh, bonsai đang ướm đá cảnh vào công trình hồ cá koi. Là một trong những trào lưu đang rất được ưa chuộng hiện nay, công trình này không chỉ mang tính biểu tượng đến từ đất nước Nhật Bản.
Hữu Duy cho biết: “Ngoài phong thủy, hồ cá koi còn có tác dụng điều hòa không khí. Tương tự, các phong cách sân vườn, tiểu cảnh như vườn thượng uyển, tiểu cảnh sinh thái bán cạn cũng đang rất thịnh hành; từ đó mang lại không gian sống xanh, nâng tầm và tạo cảm giác hài hòa cho công trình kiến trúc”.
Thành quả
Trong khi sân vườn là công trình nghệ thuật hội tụ các yếu tố sơn thủy, cây hoa, động vật, công trình kiến trúc và phong thủy (là yếu tố đặc trưng của phương Đông) thì tiểu cảnh lại mô phỏng lại các mô hình sinh thái như sa mạc, gốm cổ phối các loại cây, đá cảnh, tiểu cảnh suối hoa, tiểu cảnh thủy sinh bán cạn…
Hiện nay, nhu cầu thi công tiểu cảnh, sân vườn rất đa dạng. Đáp ứng nhu cầu ấy, Nguyễn Lê Hữu Duy thành lập công ty chuyên tư vấn, thiết kế và thi công sân vườn, tiểu cảnh. Trung bình mỗi tháng, với 2 kiến trúc sư, 3 nghệ nhân, 2 thợ chính và 10 nhân viên thời vụ, đội ngũ của anh thi công từ 5 – 7 công trình. Mỗi công trình có giá trị từ vài chục triệu đến cả hàng trăm triệu đồng tùy độ công phu, tính thẩm mỹ và sở thích của chủ nhà.
Nhận xét về niềm đam mê của Hữu Duy, nghệ nhân Nguyễn Văn Lộc cho biết: “Sân vườn, tiểu cảnh là lĩnh vực rất rộng lớn, đòi hỏi năng khiếu, sự học hỏi và cập nhật không ngừng. Luôn tìm tòi kiến thức và có tư duy rộng mở trong bộ môn này, đó là một điều rất đáng quý và khâm phục, nhất là với một người trẻ như Duy”.
Với đam mê được chắp cánh, không chỉ tạo nên những công trình tiểu cảnh, sân vườn giàu tính thẩm mỹ, Nguyễn Lê Hữu Duy còn gặt hái nhiều giải thưởng với các tác phẩm bonsai đầy nghệ thuật. Mới đây nhất, tác phẩm tiểu cảnh non bộ mang tên Thiên Môn do tự tay anh thiết kế đã xuất sắc đạt giải bạc trong Hội thi triển lãm cây kiểng và phong lan ba miền do Ban Tổ chức festival Huế 2022 và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức. Các tác phẩm bonsai, tiểu cảnh của anh còn gặt hái nhiều huy chương đồng, bạc, vàng tại Hội xuân TP. Huế qua các năm.
Thời gian tới, không chỉ phát triển đội ngũ nhân lực, giúp tạo thêm công ăn việc làm cho những người chung chí hướng, Nguyễn Lê Hữu Duy còn ấp ủ những giấc mơ lớn. Anh bộc bạch: “Hiện nay, mình đang tìm cách thuần khí hậu Huế cho các loại cây kiểng quý. Ngoài ra, mình sẽ nghiên cứu để kết hợp tiểu cảnh, sân vườn với các loại vật liệu giàu tính nghệ thuật, từ đó nâng tầm giá trị cho các công trình tiểu cảnh, sân vườn”.
Bài, ảnh: Mai Huế