Xe đạp con con lăn bánh…

Lần đầu tiên ở Huế có cuộc thi viết về xe đạp mang tên “Huế – Thành phố xe đạp” do Hội LHTNVN TP. Huế phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Công ty CP Vietsoftpro phát động. Từ rất nhiều tác phẩm dự thi, Ban tổ chức chọn ra 10 tác phẩm xuất sắc nhất để vào vòng chung kết và được đăng tải trên trang fanpage “Hue Cycling City – Thành phố xe đạp”. Những tác phẩm xuất sắc nhất cũng đã được trao thưởng tại lễ trao giải được tổ chức vào chủ nhật tuần qua.

Tôi đã có dịp đọc những tác phẩm kể trên. Nhiều góc nhìn nhưng tựu trung là cảm nhận về xe đạp và sự gắn bó giữa nó với cuộc sống thường nhật và cảnh quan xứ Huế. Tôi thích hình ảnh đầy ấn tượng “những chiếc xe đạp con con lăn bánh giữa lòng Cố đô thân thương” của đôi bạn Ngọc Ánh – Anh Thư. Và, thật đáng trân quý là những phác họa về những cung đường xe đạp lãng mạn. Ví như, dọc bờ sông Hương – thăm chùa Thiên Mụ, quanh Đại Nội – chiêm ngưỡng Cố đô, dưới rừng thông – ngắm nhìn vẻ đẹp sâu lắng ở Đan viện Thiên An, qua vùng cỏ lau – thăm lăng Khải Định uy nghiêm hay qua cầu Trường Tiền – ngắm dòng sông Hương thơ mộng.

Không phải bây giờ câu chuyện về xe đạp và Huế – Thành phố xe đạp mới được bắt đầu. Với bộ phim “Mắt biếc”, đạo diễn Victor Vũ đã giới thiệu những tà áo dài Huế bên cạnh chiếc xe đạp vô cùng tinh tế. Năm 2020, HueIDS phối hợp với Công ty cổ phần Ashui Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Huế, thành phố xe đạp – bản sắc cộng đồng và hình ảnh thành phố đạp xe thân thiện với môi trường”. Mới đây, nhân dịp tuần lễ “Ta đi xe đạp” (We cycle) năm 2022, một chiến dịch quảng bá văn hóa xe đạp được tổ chức tại Huế, bao gồm buổi đạp xe tập thể vào sáng sớm xung quanh Kinh thành Huế, triển lãm với tựa đề “Copenhagen – Thành phố đáng sống – Thành phố xe đạp” và hội thảo “Đi xe đạp – Câu chuyện về lộ trình xanh”.

Bất ngờ khi con số những thành phố được mệnh danh là “Thành phố xe đạp” trên thế giới không nhiều và đó toàn là những đô thị lớn. Zingnew.vn chỉ chọn vỏn vẹn 7 thành phố, gồm Amsterdam, Copenhagen, Paris, Berlin, Barcelona, Tel Aviv, Rio de Janeiro. Điểm chung của những thành phố này là có tỷ lệ người sử dụng xe đạp rất cao, nhiều con đường dành riêng cho xe đạp. Ví như Amsterdam của Hà Lan có hơn 60% người dân và du khách đi dạo bằng xe đạp và đường dành cho xe đạp trải dài hơn 400km. Đáng nói nữa là, các “Thành phố xe đạp” đều có dịch vụ đi chung xe đạp. Paris có dịch vụ cho thuê xe đạp “Vélib” và ở Berlin, mang tên “Call a Bike” (gọi xe). Hệ thống đi xe đạp chung của Barcelona là “Bicing”, còn với của Tel Aviv mang tên “Tel-O-Fun”.

Mô hình thí điểm hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng tại Huế do UBND TP. Huế phối hợp với Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức và Công ty cổ phần Vietsoftpro khởi động là bước đi thiết thực hướng đến xây dựng Huế trở thành thành phố xe đạp. Tôi vẫn chưa có những thống kê cụ thể về tỷ lệ người sử dụng xe đạp ở Cố đô. Những con đường xe đạp ở Huế suy cho cùng cũng chỉ mới là những cảm nhận và phác thảo, hiến kế. Thế nhưng, điều có thể cảm nhận được là ngày càng có nhiều người dân Huế chọn xe đạp làm phương tiện đi lại và luyện tập. Văn hóa xe đạp cũng là điều cảm nhận không chỉ ở sự lựa chọn, sinh kế, thú vui mà còn ở cách ứng xử và phong thái khoan thai, nhẹ nhàng “rất xe đạp” của người dân Huế hôm nay.

ĐAN DUY

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Vẫn thấy anh như còn đó!

GS. Cao Huy Thuần, một tác giả văn xuôi bằng ngôn ngữ thi ca, đã …