Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
Theo Báo cáo số 302/BC-CP của Chính phủ, năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước, qua đó củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát và triển khai quyết liệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội; tập hợp, tổng hợp, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được tiến hành đồng bộ như: Công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình; xây dựng, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử; kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng…
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chú trọng tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước; tuyên truyền, tập huấn cho các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, công ty đại chúng, các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán… về các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; tăng cường quản lý trong việc cấp phép thành lập các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ…
Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 5.800 cuộc thanh tra hành chính và 115.122 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 51.657 tỷ đồng, 12.004 ha đất; kiến nghị thu hồi 21.472 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.777 tập thể và 4.726 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 384 vụ, 196 đối tượng. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 56.725,3 tỷ đồng, chuyển 9 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra.
Các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 637 vụ án, 1.366 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 309 vụ, 721 bị can. Viện kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 416 vụ/1095 bị can. Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 498 vụ/1.235 bị cáo; đã giải quyết 382 vụ/949 bị cáo…
Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng
Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng. Báo cáo đánh giá, trong năm 2022, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ tích cực chỉ đạo thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm toán được triển khai tương đối toàn diện; chú trọng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán, qua đó đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn héc ta đất; xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm; kịp thời chuyển những vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện cho cơ quan điều tra. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp có nhiều chuyển biến.
Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp các cơ quan Thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra. Tình trạng trùng lặp, chồng chéo về đối tượng, thời gian thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp và cơ quan nhà nước vẫn xảy ra ở một số địa phương.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, năm 2022, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có bước đột phá mạnh mẽ; kết hợp giữa xử lý kỷ luật hành chính với xử lý hình sự. Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt. Các cơ quan chức năng đã tích cực đấu tranh làm rõ, khởi tố mới nhiều vụ án, xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài và những hành vi tham nhũng trước đây ít được phát hiện như nhận hối lộ, đưa hối lộ… đã được khám phá, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, song chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Một số vụ án phải tạm đình chỉ, chậm tiến độ do bị can bỏ trốn; một số vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm. Kết quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chưa cao…
Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những đánh giá được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời cho rằng, trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn.
Chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Ủy ban Tư pháp lưu ý, một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng còn chậm được thể chế hóa. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới thể chế kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng trên một số lĩnh vực chưa kịp thời, nhiều quy định thiếu chế tài cụ thể. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực thi pháp luật nói chung, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm. Ngoài ra, công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều đơn vị còn lỏng lẻo; quá trình đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nhiều trường hợp nể nang, cục bộ; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu…
Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
Theo TTXVN