Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng.(Nguồn: Báo Công an nhân dân)
Việt Nam có tỷ lệ dân số sử dụng mạng internet rất cao. So với năm 2021, số người sử dụng mạng internet tại Việt Nam đã tăng thêm năm triệu người vào năm 2022. Theo thống kê đầu năm 2022, Việt Nam có gần 80 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm hơn 78% dân số, trong đó có tới 97,6% số người tham gia sử dụng Facebook. Đáng chú ý, trang mạng xã hội này được đông đảo phụ nữ tin dùng.
Các chuyên gia an ninh mạng nhận định, tội phạm mua bán người đã lợi dụng triệt để, biến công nghệ thành công cụ lừa bán người một cách nhanh chóng hơn, tiết kiệm chi phí và khó bị phát hiện hơn. Lạm dụng những lỗ hổng trong năng lực công nghệ số của cả trẻ em và người lớn, đối tượng mua bán người dùng mạng xã hội như một công cụ chính dụ dỗ những người dễ bị tổn thương bằng những cơ hội việc làm, những lời hứa hẹn,… rồi đẩy họ vào cảnh lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục.
Thông qua các trang mạng xã hội, trang web đen và nền tảng nhắn tin, hẹn hò, đối tượng buôn bán người có thể tiếp cận nạn nhân, khai thác thông tin của nạn nhân mà vẫn bảo vệ được danh tính của kẻ phạm tội. Khi đã xác định được mục tiêu, chúng thường bắt đầu kết nối với nạn nhân bằng cách gửi lời mời kết bạn, bình luận hoặc bày tỏ cảm xúc ở bài đăng của nạn nhân rồi tìm cách lừa gặp, tiến hành hành vi phạm tội.
Các đối tượng sử dụng các ứng dụng liên lạc trực tuyến để tiếp xúc, dụ dỗ nạn nhân thay vì gặp mặt trực tiếp như phương pháp truyền thống. Nạn nhân không gặp đối tượng trực tiếp sẽ rất khó khăn khi ra cơ quan chức năng, không thể nhận diện, nhận dạng đặc điểm của đối tượng. Do đó, chứng cứ mà người dân cung cấp cho cơ quan điều tra cũng khó xác minh.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, công tác phòng ngừa xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người hết sức chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Lực lượng Công an tích cực triển khai thực hiện công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công trấn áp tội phạm mua bán người, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người.
Qua đó, nhiều đường dây mua bán người ra nước ngoài và trong nội địa được triệt phá, đưa đối tượng phạm tội ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính sáu tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng phát hiện, điều tra 33 vụ/75 đối tượng phạm tội mua bán người theo Điều 150 và Điều 151, Bộ luật Hình sự.
Tòa án nhân dân các cấp xét xử 29 vụ/61 bị cáo phạm các tội danh mua bán người. Công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”, bảo đảm quyền của nạn nhân. Nhờ đó, đã tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ 66 nạn nhân.
Chủ đề của “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” năm 2022 là “Sử dụng và lạm dụng không gian mạng”, nhấn mạnh vai trò của công nghệ như một công cụ có tiềm năng ngăn chặn tội phạm mua bán người, làm sáng tỏ các phương thức hoạt động của các mạng lưới buôn người, tăng cường truy tố thông qua bằng chứng kỹ thuật số và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân.
Trong thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng sẽ còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, xung đột vũ trang, bất ổn chính trị của một số quốc gia, tác động của thiên tai, dịch bệnh và chính sách mở cửa hội nhập toàn cầu sẽ thúc đẩy di cư. Đây là cơ hội cho những hoạt động mua bán người trái phép
Tại Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người, hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an nhấn mạnh: Nhằm triển khai có hiệu quả phòng, chống mua bán người, cần nâng cao nhận thức với các cơ quan chức năng.
Chúng ta cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn; chú trọng phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, nhất là trong công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, nhất là kế hoạch phối hợp liên ngành giữa cơ quan chức năng của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong hoạt động của đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người giai đoạn 2021-2025.
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ cũng đã tích cực sử dụng mạng xã hội trong triển khai các hoạt động, trong đó có đẩy mạnh hoạt động phòng, chống mua bán người. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Các cấp hội phụ nữ hiện có gần 2.000 trang fanpage facebook, hơn 11.000 nhóm zalo được thành lập phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức hoạt động Hội.
Các cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội là diễn đàn quan trọng để Hội lắng nghe tâm tư của hội viên, phụ nữ, tạo hiệu ứng lan tỏa trong các tầng lớp phụ nữ, cộng đồng xã hội về phòng, chống mua bán người. Thời gian tới, các cấp hội chú trọng tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, người dân về sử dụng mạng xã hội an toàn, nhằm giảm thiểu nguy cơ mua bán người cũng như các loại tội phạm trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, Hội đã chú trọng hoạt động can thiệp, hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về có việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Đặc biệt, mô hình “Ngôi nhà bình yên” của Trung ương Hội đã phát huy hiệu quả và là điểm tựa nâng đỡ chị em trở về, tái hòa nhập cộng đồng.
Theonhandan.vn