Các đại biểu phát biểu tại hội thảo
Theo nhiều tư liệu, cửa biển Thuận An xuất hiện trong lịch sử vào đầu thế kỷ XV, dưới triều nhà Hồ, với tên gọi là cửa Eo, các đời sau còn đổi thành nhiều tên khác. Dưới tác động của thiên nhiên, cửa biển cũng có nhiều biến chuyển, không còn như những ngày đầu.
Sau năm 1975, Thuận An được phân chia địa giới thuộc huyện Phú Vang. Sau đó nhập vào thành phố và tiếp đó là thị trấn thuộc huyện Phú Vang. Đến ngày 1/7/2021, Thuận An trở thành một phường thuộc TP. Huế.
Ngoài vai trò quan trọng về quân sự, kinh tế lẫn môi trường sinh thái, cửa biển Thuận An còn mang thêm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo để bảo tồn, phát triển. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đã đóng góp rất nhiều ý kiến, làm rõ thêm nhiều vấn đề thông qua hơn 20 tham luận. Trong đó, tập trung vào hai phần: Vị trí chiến lược của cửa biển Thuận An trong lịch sử và Phát huy các giá trị lịch sử – văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định cho rằng, trong tiến trình phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54của Bộ Chính trị, Thuận An đang được định hướng phát triển trở thành đô thị động lực phía Đông TP. Huế.
Trong đó, ngoài việc triển khai các tuyến đường từ thành phố về Thuận An, cầu qua cửa biển, tuyến đường ven biển, tỉnh đã và đang chỉ đạo rà soát điều chỉnh khu vực Thuận An theo hướng di dời, sắp xếp dân cư, mồ mả, tăng số lượng và mật độ xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ du lịch biển, kêu gọi đầu tư các khách sạn có quy mô lưu trú lớn. Ngoài ra, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển cảng Thuận An; phát triển đô thị đầm phá, đô thị sinh thái; phát triển nuôi trồng thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học…
Tin, ảnh:N. Minh