Nhóm sinh viên Lào tại trường cao đẳng y tế Quảng Trị.(Ảnh: Hạnh Quỳnh)
Vì yêu mến con người, đất nước Việt Nam nên mỗi năm, hàng nghìn học sinh, sinh viên của Lào đã quyết định sang du học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Trị và nhiều tỉnh, thành phố khác của Việt Nam.
Người dân Việt Nam cũng dành sự thương mến, giúp đỡ ân cần như một lẽ tự nhiên, thường tình đối với tuổi trẻ xứ Chămpa.
Chính tình cảm của những người thầy, cô giáo và người dân Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu đậm trong tuổi trẻ nước láng giềng. Tình cảm chân thật đó cũng nuôi dưỡng niềm tin, chắp cánh cho ước mơ của những sinh viên Lào là mang tri thức khoa học của thế giới về dựng xây quê hương.
Ấn tượng sâu đậm
Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị tại thành phố Đông Hà những ngày mùa Thu tháng Tám khá vắng vẻ. Thư viện trường cũng chỉ ít sinh viên lưu lại, trong đó có hai nữ sinh viên lớp Dược K5 là Suaykham Vongxaolo và Laty Xayyageam, người Lào.
Lấy ra từ kệ sách thư viện cuốn “Thuốc biệt dược và cách sử dụng” cùng “Dược học cổ truyền toàn tập,” Suaykham Vongxaolo cười tươi tắn rồi nói rất rành rọt bằng tiếng Việt: “Bất kỳ ai học ngành Dược cũng đọc những cuốn sách này vì ngoài những thông tin cơ bản, sách giới thiệu về tên gọi, cách phân loại, đặc điểm và tính chất của thuốc, những cấm kỵ trong dùng thuốc, sách còn cung cấp một số ứng dụng lâm sàng và các kinh nghiệm trong điều trị, liều dùng và những chú ý cần thiết…”
Nhìn tấm băngrôn trong thư viện có in dòng chữ “Mỗi cuốn sách là một giấc mơ mà bạn cầm trong tay,” Suaykham Vongxaolo chia sẻ cô cũng có một giấc mơ.
Gần nhà Suaykham có nhiều người Việt sinh sống nên cô có gặp gỡ, tiếp xúc và nhiều thiện cảm với đất nước, con người Việt Nam. “Ước mơ từ ngày còn nhỏ là trở thành một dược sỹ nên sau khi tốt nghiệp trung học, em mong muốn du học ở Việt Nam,” Suaykham kể.
Khi chia sẻ ước mơ này, bố mẹ Suaykham đã ủng hộ và định hướng cô tới Quảng Trị. “Bố nói rằng, nếu con muốn phát triển thì phải đi nước ngoài học và sang Việt Nam là tốt nhất. Giờ đây, em biết để hiện thực ước mơ của mình thì phải bắt đầu từ đâu,” Suaykham Vongxaolo thổ lộ.
Ngày đầu tiên đặt chân tới Việt Nam, cô nữ sinh người Lào cảm nhận không khí thân thiện của các sinh viên người Việt Nam và sinh viên Lào những khóa trước.
“Các anh, chị đưa em đi ăn món ăn Việt Nam để xem có quen và thích không. Lúc đầu em không quen vì món ăn Lào mặn, cay. Nhưng sau một thời gian em cũng quen và còn xâm nhập vào cuộc sống, môi trường ở Việt Nam,” Suaykham Vongxaolo cười nói.
Nhắc tới tình cảm của thầy, cô giáo trong Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị đối với những sinh viên người Lào, Suaykham nói rằng, đó là những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp, sâu đậm.
“Khi dịch COVID-19 bùng phát, em không về thăm nhà được. Nhiều đêm nằm nhớ bố mẹ chỉ biết khóc một mình. Phải ở lại trường trong thời gian dài nên em gặp nhiều khó khăn. Biết được tâm tư của em và gần 200 sinh viên Lào ở trường, nhà trường và các thầy cô, bạn bè đã tích cực giúp đỡ, hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần. Ở đây không có người thân, mọi sự giúp đỡ đều chỉ nhờ vào thầy cô và bạn bè thôi,” Suaykham xúc động nói.
Chia sẻ những cảm nhận khi đến Việt Nam học tập như Suaykham Vongxaolo, nữ sinh viên Laty Xayyageam cho biết em canh cánh nỗi lo rào cản ngôn ngữ.
Cô gái đến từ huyện Samouay, tỉnh Salavan này biết rằng rất khó để đọc thông, viết thạo tiếng Việt, trong khi đó những kiến thức chuyên ngành Y, Dược đều bằng tiếng Việt. Nhưng nỗi lo này đã được trường Cao đẳng y tế Quảng Trị xóa tan.
Các thầy, cô giáo trong trường luôn quan tâm giúp Laty Xayyageam và các bạn sinh viên Lào khác nâng cao vốn tiếng Việt. Ngoài ra, những người bạn ở Quảng Trị cũng nhiệt tình giúp đỡ nên chỉ sau một năm học tiếng Việt, Laty Xayyageam đã tự tin bước vào chính khóa và có kết quả học tập tốt.
“Hằng ngày em dành 4, 5 giờ để học thêm tiếng Việt. Ngoài ra, em còn cố gắng luyện tập, trò chuyện với bạn bè người Việt Nam, tham gia các hoạt động, phong trào ở trường, xem các chương trình tiếng Việt trên Internet…,” Laty Xayyageam chia sẻ.
Trao đổi về việc giúp đỡ sinh viên Lào học tập tại trường, thầy giáo Trần Hữu Hạnh, Phòng Đào tạo, trường cao đẳng y tế Quảng Trị cho biết, hiện toàn trường có khoảng 200 sinh viên Lào đang theo học ở hai ngành Điều dưỡng và Dược.
Quá trình học tập ở trường, sinh viên Lào luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất của nhà trường cũng như các sở, ban, ngành, đoàn thể, về vật chất và tinh thần. Điều đó đã giúp tuổi trẻ xứ Chăm pa nhanh chóng hòa nhập với môi trường giáo dục và có kết quả học tập tốt ở Việt Nam.
“Việc hỗ trợ, đồng hành này giúp các bạn sinh viên Lào có thêm những trải nghiệm thú vị về cuộc sống, bản sắc văn hóa của người Việt Nam; tăng cường giao lưu ngôn ngữ, văn hóa giữa sinh viên hai nước Việt Nam-Lào, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa sinh viên hai nước,” thầy Trần Hữu Hạnh nói.
Nguồn vốn quý truyền lại
Chia sẻ về hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực-lĩnh vực hợp tác được coi là cơ bản và trọng tâm của mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa 3 tỉnh Quảng Trị, Salavan và Savannakhet, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho biết từ năm 2008, tỉnh Quảng Trị mở khóa đầu tiên đào tạo Trung cấp Lý luận Chính trị – Hành chính cho cán bộ hai tỉnh bạn, đến nay đã mở 11 khóa đào tạo với 480 học viên.
Giai đoạn 2017-2021, trường cao đẳng y tế Quảng Trị tiếp nhận đào tạo hệ cao đẳng y, dược cho 247 sinh viên thuộc hai tỉnh Savannakhet, Salavan.
Đây chính là bước phát triển mới về chiều sâu, tính hiệu quả trong hợp tác, giúp đỡ hai tỉnh bạn về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị nói riêng, cũng như góp phần tăng cường và nâng cao năng lực y tế tuyến tỉnh, huyện cho hai tỉnh Savannakhet, Salavan, phục vụ nhu cầu trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, hoạt động phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Lào, ông Hà Sỹ Đồng khẳng định.
Ở cấp Nhà nước, hợp tác giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực luôn là lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ Việt-Lào. Suốt 60 năm qua, Việt Nam đã giúp Lào đào tạo hàng chục nghìn công chức, nhà nghiên cứu, nhân viên y tế, quân nhân, kỹ sư…
Nhiều người đã trở thành cán bộ chủ chốt và lãnh đạo cách mạng Lào trong chiến tranh cũng như trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho biết Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam giao nhiệm vụ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp cho Đảng, Nhà nước Lào.
Hàng năm, học viện tiếp nhận gần 500 học viên Lào theo học các hệ lớp cán bộ quy hoạch cấp chiến lược, cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, cao học và nghiên cứu sinh.
Tại học viện, các học viên Lào đã tích cực học tập, nghiên cứu, rèn luyện. Nhiều người đã tốt nghiệp xuất sắc, trở về nước công tác, phát huy hiệu quả kiến thức, bản lĩnh chính trị và kỹ năng được trau dồi, tích lũy, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước Lào.
Những năm tới, gọc viện tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách với các cơ quan của nước bạn Lào, trước hết là với gọc viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Lào; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong các hoạt động hợp tác quốc tế; trong đó trọng tâm là triển khai Đề án chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp luận nghiên cứu tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng Chủ tịch Kaysone Phomvihane; triển khai Dự án xây dựng cơ sở Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Lào tại Champasak.
Tại buổi nói chuyện với lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 28-29/6/2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đánh giá cao những hoạt động hợp tác giáo dục-đào tạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong việc đào tạo cán bộ chủ chốt cho Lào, biên soạn bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập bằng tiếng Lào, là nguồn vốn quý báu để truyền lại cho thế hệ trẻ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào hy vọng, thời gian tới, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Lào tiếp tục thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đào tạo để làm người, đào tạo để làm cán bộ, đào tạo để làm việc,” truyền đạt cho các thế hệ về thành quả cuộc cách mạng và bảo vệ thành quả cuộc cách mạng, cùng nhau phối hợp phát triển hai đất nước Lào-Việt Nam.
Theo TTXVN/Vietnam+