Đào tạo nghề và giải quyết việc làm ổn định cho người lao động là con đường hiệu quả nhất để giảm nghèo, đảm bảo an sinh
Kịp thời thực thi chính sách an sinh
Tình hình dịch COVID-19 xuất hiện, bùng phát mạnh trong hơn 2 năm qua tác động rất lớn đến mọi mặt về đời sống, kinh tế – xã hội của nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Thừa Thiên Huế. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Thừa Thiên Huế đã có những biện pháp, giải pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, đảm bảo hài hòa để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, chăm lo cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người lao động.
Thời gian qua, để hỗ trợ cộng đồng DN, người lao động và Nhân dân phục hồi phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới, tỉnh và ngành lao động – người có công và xã hội tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội phòng chống, vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
Để đảm bảo an sinh xã hội, tạo sự ổn định, đồng thuận, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã cùng các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 126, Nghị quyết số 116 của Chính phủ và Nghị quyết số 84 của HĐND tỉnh về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19… cho hơn 171 nghìn đối tượng với số tiền đã chi trả hơn 113 tỷ đồng và hỗ trợ tiền ăn cho khoảng 45 nghìn người bị nhiễm COVID-19, F1. Ngoài ra, đơn vị bảo hiểm xã hội, các địa phương cấp huyện và DN đang triển khai thực hiện Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Dự kiến, kinh phí hỗ trợ theo quyết định này trên địa bàn tỉnh khoảng 4 tỷ đồng.
Ngoài đảm bảo chính sách an sinh cho người dân về hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19, Sở LĐTB&XH tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, như tổ chức ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề…
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo thuận lợi để mọi người dân tiếp cận các chính sách do ngành quản lý, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người có công và thân nhân, các đối tượng chính sách xã hội được cải thiện và từng bước được nâng lên. Ngành đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với chính sách người có công, xây mới và sửa chữa hàng nghìn ngôi nhà, thường xuyên chăm sóc phần mộ, nghĩa trang và các công trình ghi công liệt sĩ; chăm sóc người yếu thế, trẻ em và thực hiện bình đẳng giới.
Chú trọng giải quyết việc làm để giảm nghèo
Quan điểm của Sở LĐTB&XH là, để đảm bảo an sinh xã hội, mục tiêu quan trọng nhất là phải giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo và giảm nghèo bền vững. Muốn vậy, nhiệm vụ trước tiên là cần phải đảm bảo giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, song song với huy động các nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng, thực thi chính sách an sinh, giảm nghèo đa chiều.
Chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo là tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm mạnh từ trên 8,3% vào cuối năm 2015 xuống còn dưới 4% năm 2021. Hiện nay, ngành cùng các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện các chính sách về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy, trong đó, đặc biệt quan tâm đến các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và sớm đưa 7 xã nghèo ở các địa phương ra khỏi danh sách xã nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế, hỗ trợ nhà ở và hỗ trợ các chiều thiếu hụt để hộ nghèo sớm thoát nghèo.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 11.000 người (đạt gần 70% so với kế hoạch năm 2022); hỗ trợ học nghề cho 295 người với số tiền chi hỗ trợ 1,52 tỷ đồng. Để tiếp tục tạo thêm nhiều vị trí việc làm cho người lao động, tỉnh tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy dệt may tạo năng lực mới, giải quyết việc làm, như: Công ty CP Dệt may Thiên An Phú, Công ty TNHH Lavaya, CTCP Dệt may Phú Hòa An, Nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao của Sacvi Huế tại KCN Quảng Vinh… Bên cạnh đó, tỉnh đang tích cực các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư cũng như kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng DN, trong đó ưu tiên các dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn.
Đại diện lãnh đạo Sở LĐTB&XH cho biết, thời gian tới, ngành lao động, người có công và xã hội tiếp tục tham mưu thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; nâng cao chất lượng công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; mở rộng thị trường đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và rà soát tình hình sử dụng lao động tại các DN, nhất là DN đang thiếu hụt lao động. Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách tạo việc làm, giải quyết việc làm và đào tạo nghề, nhất là đối với lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Thực hiện tốt chính sách tín dụng việc làm nhằm tạo việc làm thông qua hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và từ các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG