Nhớ một buổi tối đầu năm nay, tôi nhận được tin nhắn của TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Văn hóa và Nghệ thuật tại Huế nhắn mời đóng góp xây dựng lăng mộ Ngài Văn Hàn ty Nguyễn Đình Huy, thân sinh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu tại quê hương. Và rồi mới đây, sau khi công việc hoàn thành, trên trang phây của mình, TS. Hằng đã công khai danh sách, không quên nói rõ gia đình có đề nghị làm lễ tạ nhân dịp giỗ cụ Huy vào ngày 20 tháng 10 Âm lịch và có lời mời tham gia buổi tọa đàm về hiện trạng và vấn đề phát huy giá trị di sản văn hóa tại quê hương Bồ Điền (Phong An, Phong Điền) do Phân viện và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tổ chức.
Cách nay hơn 10 năm, cùng với các đồng nghiệp ở Báo Thừa Thiên Huế, tôi có dịp ghé vô Bến Tre. Lần đó, tôi được các anh chị ở Báo Đồng Khởi dẫn đi thăm khu lăng mộ của vị đại thần Phan Thanh Giản, khu tưởng niệm nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam là bà Nguyễn Thị Định và đặc biệt Khu Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu ở Ba Tri. Sau chuyến đi đó, tôi đã nhiều lần ra Bồ Điền và được biết dấu ấn về cụ Đồ Chiểu còn lắng đọng rất lớn, nơi có dòng họ Nguyễn Đình và đặc biệt là ngôi mộ hoang sơ của cụ thân sinh Nguyễn Đình Huy, cần được chăm sóc và xây dựng. Thừa Thiên Huế tự hào là quê hương của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu và đã đến lúc phải chứng minh bằng những việc làm cụ thể!
Nhân câu chuyện về xây dựng cho mộ cho cụ Huy, tôi nhớ trong nhiều lần đàm đạo, gặp nhau buổi sáng bên tách cà phê đã nghe TS. Hằng tâm sự, rằng Huế là vùng đất văn hóa – lịch sử của đất nước, nơi còn lưu dấu vô vàn những di tích lịch sử cần được gìn giữ và tôn tạo. Vậy nên, đã đến lúc Thừa Thiên Huế cần xây dựng một quỹ văn hóa Huế và một trong những ưu tiên của quỹ này là hỗ trợ khảo sát, trùng tu các di sản văn hóa bị xuống cấp (từng hạng mục hay toàn bộ công trình, nhất là các công trình chưa được công nhận).
Được biết, mới đây Bộ Tài chính đã có Dự thảo Nghị định quy định việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản Huế và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Theo Bộ Tài chính, với vị thế là Cố đô của đất nước, di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của các địa phương, Nhân dân trong cả nước và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để trùng tu, bảo tồn các công trình Cố đô, cùng nhiều di sản cấp quốc gia và nhiều công trình đặc thù về văn hóa và cảnh quan thiên nhiên,… đòi hỏi nguồn lực lớn. Cạnh đó, công tác quản lý dự án phức tạp, kéo dài, hoạt động quản lý tài chính cũng cần phải có những đặc thù riêng.
Tôi không luận bàn nhiều về cách tạo quỹ cũng như cơ chế hoạt động còn ở thì tương lai này nhưng thiết nghĩ, đó là sự cần thiết và đáng lẽ nó phải được ra đời sớm hơn. Còn hiện tại, trong khi chờ đợi sự ra đời của Quỹ Bảo tồn di sản Huế thì hoạt động Quỹ Văn hóa Huế (do VICAS Huế bảo trợ) hay sự đóng góp xây mộ cho cụ Huy cũng là việc làm kịp thời và là cách ứng xử văn hóa, mang tính nhân văn sâu sắc dành cho nhân vật và di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn.
ĐAN DUY