Nắng ấm Phú Gia

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy (giữa) và lãnh đạo huyện Phú Vang thăm, dâng hương tại di tích Cồn Rang dịp 27/7. Ảnh: Q.A

Truyền thống cách mạng

Nằm bên đầm phá Tam Giang, xã Phú Gia, huyện Phú Vang là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Từ những năm 1906 – 1911, Nhân dân Phú Gia nhiều lần kéo lên Huế và trung tâm huyện lỵ Phú Vang tham gia các cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng. Các ông Võ Diêm, Võ Duyệt, Lê Thiện, Lê Bật đã tham gia tích cực phong trào này. Đặc biệt, cụ đồ nho Đỗ Quỳnh, thôn Hà Trữ A là một trong những hạt nhân lãnh đạo Nhân dân biểu tình, bị địch bắn bị thương, cụ phải trốn ra nước ngoài và tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong những ngày khởi nghĩa Duy Tân 1916, vua Duy Tân lánh về Phú Gia, Vinh Hà và đã nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của Nhân dân. Nổi bật là bà Nguyễn Thị Vinh ở thôn Hà Trữ A, ông Lý Cảnh ở thôn Trừng Hà đã chèo đò chở vua Duy Tân và đoàn tùy tùng về Hà Trung.

Thư của Cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi Huyện ủy Phú Vang có kể lại chuyện: Đêm 30/4, rạng sáng ngày 1/5/1930, các đồng chí Hoàng Viễn (Hoàng Trọng Viên) và Đỗ Tram đã treo cờ Đảng lên ngọn cây phi lao cao nhất ở chợ Trừng Hà (Hà Đá). Truyền đơn cũng được rải một số nơi như ở quanh Phú Gia như Hà Thanh, Trừng Hà, Dưỡng Mong, Mộc Trụ, Viễn Trình… kêu gọi nông dân đấu tranh đòi giảm sau thuế, chống đế quốc, chống chiến tranh, tuyên truyền về Đảng.

Chiến thắng Cồn Rang

Cồn Rang là một bãi cát trắng nằm giữa hai thôn Trường Lưu và Diêm Tụ, bao bọc chung quanh là một hệ thống đồn bốt dày đặc của quân đội Pháp; phía bắc là đồn Trường Lưu, phía đông là đồn Trừng Hà, phía nam là đồn Dưỡng Mong B và xa hơn nữa là đồn Hà Trung (Vinh Hà). Lực lượng binh lính ở đây nổi tiếng gian ác, thường gây ra nhiều nợ máu với Nhân dân địa phương, với những tên đồn trưởng khét tiếng, như: Đội Du, Đội Cần, Đội Khiết. Từ khi lập hệ thống đồn bốt này cho đến đầu tháng 8/1948, không ngày nào quân địch ở các đồn lại không đi lùng sục, càn quét cướp của giết người hoặc tra tấn, đánh đập dã man cán bộ và đồng bào ta.

Ngày 19/8/1948, sau khi bộ đội chủ lực huyện Phú Vang phối hợp Tỉnh đội tấn công tiêu diệt một tiểu đội của quân địch và hai trung đội thân binh ở đồn Hòa Đa Đông tại Hàng Mương (Phú Đa). Để giải nguy, quân địch kêu gọi viện binh đang đóng ở đồn Hà Thanh và đồn Trừng Hà do Đội Khiết chỉ huy kéo viện binh đến giải vây. Khi quân địch đi đến lăng bà Đoản (gần Cồn Rang) thì bị quân ta chặn đánh tiêu diệt 28 tên, số còn lại phải chạy vào Cồn Rang cố thủ để tiếp tục chờ viện binh ở đồn Hà Thanh đến giải cứu.

Địch lợi dụng địa hình cây cối mọc um tùm và lăng mộ trên trảng cát, cố thủ để chống trả quân ta một cách quyết liệt. Thế nhưng, chúng đã bị bộ đội chủ lực của tỉnh (tiểu đoàn 319, thuộc Trung đoàn 101), bộ đội huyện Phú Vang phối hợp với dân quân du kích địa phương bao vây tiêu diệt. Khi hai tiểu đội ở đồn Hà Thanh dùng thuyền nhỏ vượt sông đến giải vây cho quân của Đội Khiết, đã bị quân ta chặn đánh tơi bời. Toàn bộ thuyền của địch bị bắn chìm, không một tên viện binh nào sống sót. Nhờ thế, quân ta nhanh chóng trấn áp địch đang cố thủ ở Cồn Rang, tiêu diệt hơn 100 tên, tịch thu hàng trăm vũ khí. Đồn Dưỡng Mong B bị tan rã, các đồn Hòa Đa Đông, Hà Thanh, Trừng Hà và Trường Lưu bị tổn thất nặng nề. Quân Pháp ở Hà Trung rút chạy. Một vùng gần 5km2 với 2 vạn dân được giải phóng nối liền với khu III Phú Lộc.

Chiến thắng Cồn Rang là chiến thắng chống thực Pháp đầu tiên ở trên địa bàn huyện Phú Vang. Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn lao, làm nức lòng quân dân, khích lệ tinh thần yêu nước, anh dũng đứng lên chống giặc Pháp xâm lược; là thắng lợi có tính bước ngoặt trong việc thực hiện chủ trương đưa cán bộ, đảng viên, bộ đội về “bám đồng bằng” để hoạt động, bởi vì “mất dân là mất tất cả”.

Nắng ấm Phú Gia

“Về thăm lại những dấu tích xưa Cồn Rang, Diêm Tụ…, Phú Gia hôm nay đổi mới từng ngày. Hà Kinh, Nghĩa Lập, Thủy Hà vui sao. Dưỡng Mong, Mộc Trụ rồi qua Tân Phú, bao nụ cười nở trên môi người. Ta lại về đây, Phú Gia ngày nắng ấm”… Đó là một đoạn trong ca khúc “Nắng ấm Phú Gia” của nhạc sĩ Mai Ánh viết vào tháng 6/2022, trong đợt thực tế sáng tác do Liên hiệp các Hội VHNT tổ chức tại Phú Vang.

Ông Đỗ Viết Tư, Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết: Phú Gia vẫn còn nhiều khó khăn do mới vừa sáp nhập từ 2 xã (nhập lại từ xã Vinh Thái và Vinh Phú từ tháng 1/2020): Quy mô dân số đông, địa bàn rộng, điều kiện thu nhập bình quân thấp so với mặt bằng chung trên địa bàn huyện. Thế nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm của toàn thể cán bộ và Nhân dân, xã Phú Gia đã có những thành tựu mới trên đường phát triển. Xã chú trọng phát triển dịch vụ, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp thì đang có sự chuyển biến đáng kể. Qua rà soát, toàn xã có hơn 562 cơ sở quy mô vừa và nhỏ, trong đó: dịch vụ có 448 cơ sở; tiểu thủ công nghiệp có 93 cơ sở và ngành nghề 21 cơ sở. Điều ít nơi có được là xã có hơn 270 hộ làm lò bánh mỳ đi làm ăn trong, ngoài tỉnh và nước bạn Lào, có thu nhập rất khá. Năm 2021, tổng thu ngân sách của xã đạt 18,336 tỷ đồng, vượt 52,23%, chi ngân sách đạt 13,2 tỷ đồng, vượt 9,58%. Xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phấn đấu hoàn thành nông thôn mới càng sớm càng tốt…

VÕ TRIỀU SƠN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …