Sôi động hay tĩnh lặng?

Thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm, khách du lịch đến Huế đạt trên 1.000.000 lượt, tăng 78% so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch ước đạt trên 2.215 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong tương quan chung với nhiều địa phương, mức tăng trưởng của du lịch Huế hiện nay, được đánh giá là còn chậm. Nhận định của Hiệp hội Du lịch tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế mới đây cho thấy, dù đang phục hồi tốt, nhưng so với nhiều điểm đến khác như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Lạt…, lượng khách đến Huế chỉ bằng khoảng 1/2 đến 1/3.

Nhiều “điểm nghẽn” của du lịch Huế cũng được “mổ xẻ” như: Hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ mua sắm phát triển chậm; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng; thiếu nguồn nhân lực; khách du lịch đến Huế chủ yếu tập trung ở vùng lõi trung tâm TP. Huế. Một số điểm đến được đánh giá có sức hấp dẫn ở tuyến huyện chủ yếu thu hút khách trong tỉnh. Lượng khách có khả năng chi tiêu cao, du lịch dài ngày đến Huế còn ít…

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VIII (diễn ra ngày 14 – 15/7/2022), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu yêu cầu các cơ quan liên quan cần sớm có quy hoạch hệ thống khách sạn; quy hoạch quỹ đất cho dịch vụ, mua sắm, ăn uống… Dựa trên những đánh giá thiếu hụt hiện tại và dự báo cho tương lai để chuẩn bị các phương án phát triển du lịch ở trung tâm và các khu đô thị mới.

Dù có tiềm năng vượt trội, phong phú, đa dạng, nhưng xem ra, du lịch Huế, sau hàng chục năm phát triển, vẫn chưa vượt thoát ra khỏi cái bóng tiềm năng. Ngoài những giải pháp cho hạ tầng, chất lượng dịch vụ, nhân lực…, vấn đề quy hoạch phát triển sản phẩm, xác định vùng phát triển như thế nào để tìm hướng đi phù hợp, khác biệt, đặc thù cho Huế đang là “điểm nghẽn” lớn.

Trong không ít hội thảo trong nước, quốc tế bàn giải pháp phát triển du lịch Huế, nhiều ý kiến cho rằng, Huế cần cân nhắc xu hướng làm du lịch đại trà, chạy theo số lượng, bởi, với đặc thù của một Cố đô giàu di sản, với lợi thế cảnh quan thiên nhiên, sản phẩm du lịch Huế cần hướng đến chất lượng, khai thác thế mạnh du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, du lịch sức khỏe, du lịch khám phá…để thu hút đối tượng khách sang, chi tiêu mạnh, kéo dài ngày lưu trú, đem lại nguồn thu cao hơn trên đầu khách. Các chuyên gia cũng đánh động, nếu du lịch Huế chạy theo số đông, theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, thì sẽ đánh mất bản sắc riêng. Những dịch vụ du lịch “ăn xổi” hướng đến số đông cũng sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến tuổi thọ và làm mất giá di sản; tàn phá sự trong lành, tĩnh lặng của môi trường…

Một minh chứng, hệ lụy của du lịch đại trà bao nhiêu năm qua đã và đang làm rẻ hóa ca Huế trên sông Hương, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế. Hay việc hình thành tuyến phố đi bộ ở khu phố Tây, biến những tuyến đường du lịch vốn yên bình, tĩnh lặng, được khách Tây ưa thích trước đây, theo hướng đa dịch vụ, sôi động như hiện nay, cũng cần nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả, khi lựa chọn giữa dịch vụ hướng đến sự tĩnh lặng hay sôi động cho Huế?.

Đây cũng là bài toán đặt ra cho việc định hướng sản phẩm du lịch Huế trên cơ sở khai thác tiềm năng, từ xây dựng kinh đô ẩm thực, kinh đô áo dài hay khai thác giá trị hệ sinh thái Tam Giang – Cầu Hai, Bạch Mã, Vịnh đẹp Lăng Cô và cả hệ cổ tự…

NHẬT NGUYÊN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …