Chăm sóc phần mộ liệt sĩ. Ảnh: BĐBP
Đền ơn đáp nghĩa
Trong những ngày tháng 7 trên xã biên giới Hồng Vân (A Lưới), có một “bức tranh” ý nghĩa với những “gam màu” ấm áp nơi góc thôn Ta Lo – A Hố. Đó là những lưng áo ướt đẫm mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân, đoàn viên, thanh niên và dân quân thôn, cùng âm thanh của máy hàn, cưa, đục… Các anh chung tay sửa chữa nhà cho bà Căn Nghế – người có công với cách mạng.
Nhiều lần nghe Thượng tá Trần Văn Tuyển, Chính trị viên Đồn BPCK Hồng Vân kể về hoàn cảnh khó khăn của người phụ nữ ngoài sáu mươi tuổi, chồng mất, sống cùng đứa con trai bệnh tật triền miên. Một lần, theo chân Thượng tá Tuyển đến thăm bà Căn Nghế; người phụ nữ dân tộc Pa Cô ngồi trước hiên nhà, “hóng” chút nắng trong chiều muộn, bởi hệ thống điện đã hư hỏng, chưa có tiền sửa. Nhà cũ kỹ, mái ngói bị bay mất nhiều mảng lớn, cửa không có. Mùa mưa gió, trong nhà cũng ướt như ngoài trời. Tôi mới hiểu tình thương và trách nhiệm của BĐBP Đồn BPCK Hồng Vân dành cho người phụ nữ dân công hỏa tuyến ngày xưa.
Từ sự kết nối, các “mạnh thường quân” hỗ trợ tổng cộng hơn 7 triệu đồng. Các anh cất công tìm, tự tay chọn mua từng viên ngói sao cho đúng kích cỡ, kiểu dáng với mái ngói cũ, để lúc ráp vào vừa khít, đảm bảo không kê, lệch, không bị dột; chọn vật liệu đóng khung, làm các cánh cửa, sao cho chắc chắn. Cán bộ, chiến sĩ đồn Hồng Vân, đoàn viên, thanh niên và dân quân thôn, đóng góp toàn bộ công. Những người có tay nghề cao về hàn, nề… luôn “xung kích”; đồng đội chung sức. Sau mấy ngày ròng rã, mái nhà được lợp xong, các cánh cửa được đóng mới, hệ thống điện được sửa chữa, an toàn, chắc chắn. Lời cảm ơn là cái nắm tay thật chặt, cùng những giọt xúc động rưng rưng trong khóe mắt bà Căn Nghế.
Cựu chiến binh Nguyễn Thị Thuận ở tổ dân phố Tân Cảng, phường Thuận An (TP. Huế) cũng từng rưng rưng nắm chặt tay cán bộ, chiến sĩ biên phòng Đồn BPCK cảng Thuận An như thế. Một mình trước ngổn ngang nhà tốc mái sau cơn bão lớn, con cái đều ở xa không thể về kịp, BĐBP đã trích tiền lương đóng góp, bỏ công sức, kịp thời lợp lại mái nhà cho bà Thuận. “Tri ân thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, đồng thời chúng tôi luôn tự nhủ lòng, có trách nhiệm và quan tâm, hỗ trợ thế hệ anh, cha là đồng đội, đồng chí “chung câu quân hành” bằng những hành động cụ thể, thiết thực” – Thiếu tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn BPCK cảng Thuận An bộc bạch. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Nguyên cũng kết nối, vận động được 30 triệu đồng, bỏ công sức, sửa chữa nhà cho người có công với cách mạng; hiện tiếp tục là “cánh tay nối dài” của BĐBP, góp phần bảo vệ an ninh khu vực biên giới.
Đại tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh từng xúc động bày tỏ, trong một lần cùng các đồng đội đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hường (phường Xuân Phú, TP. Huế), lúc mẹ còn sống. Trong tình cảm của các anh, mẹ Hường là người mẹ kính yêu thứ hai của mình, nên lúc mẹ từ giã cõi đời, BĐBP tỉnh cũng đã bên cạnh, cùng gia đình kính cẩn đưa tiễn mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Luôn trong hành trang người lính
Thượng úy Nguyễn Văn Dực, trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xúc động khi nhớ lại lần về thăm một gia đình có 2 liệt sĩ tại TP. Huế. Khi các anh vừa bước vào nhà, em gái của các liệt sĩ bật khóc. “Bà nói rằng, thấy màu áo bộ đội, cảm giác ấm áp, gũi gần, như thể được gặp lại những người anh kính yêu đã anh dũng hy sinh. Lần nào đến thăm, khi chúng tôi ra về, những người trong gia đình lưu luyến mãi” – Thượng úy Dực kể, những lần về thăm, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho một cựu chiến binh (phường Thủy Vân, thị xã Hương Thủy) tuổi cao, hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật phải nằm một chỗ, các anh đều tự tay quét dọn nhà cửa, đôi khi giúp nhóm lên ngọn lửa hồng, để nơi góc bếp đơn sơ, tỏa ra mùi thơm của bữa cơm chiều đạm bạc mà nồng ấm nghĩa tình.
Theo Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy BĐBP tỉnh: Uống nước nhớ nguồn, mãi mãi ghi nhớ công ơn và đền ơn đáp nghĩa đối với các thế hệ cha anh đã dâng hiến tuổi trẻ, xương máu, cuộc sống cho quê hương, Tổ quốc, là điều vô cùng quan trọng trong hành trang người lính biên phòng. Vậy nên, BĐBP tỉnh luôn chú trọng về chất để triển khai, thực hiện trong toàn lực lượng BĐBP tỉnh, đặc biệt là tuổi trẻ BĐBP tỉnh, các hoạt động về nguồn. Các chiến sĩ mới được thăm, dâng hoa, dâng hương, được giáo dục truyền thống tại các nhà tưởng niệm, các khu di tích, Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, tại phòng truyền thống BĐBP, trước đôi dép của liệt sĩ – binh nhất Lê Đình Tư; bộ áo quần của anh hùng liệt sĩ – Đại úy Phạm Văn Điền (đơn vị Hải đội 2 biên phòng), đã mãi mãi nằm lại giữa biển khơi, ở độ tuổi tươi đẹp nhất, anh dũng hy sinh trong thời bình, khi cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ cứu dân trong cơn lũ lụt lịch sử năm 1999, nhiều chiến sĩ mới đã bất giác kính cẩn cúi đầu. Trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động, các chiến sĩ mới xung phong được tham gia chăm sóc, chỉnh trang trồng cây xanh tại các nghĩa trang liệt sĩ; cẩn trọng, nâng niu khi thay cát, thay lư hương, thể hiện tình cảm yêu thương thành kính. Đồng thời từ đó, cố gắng hơn trong quá trình huấn luyện, để có thể cùng đồng đội thực hiện tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ biên phòng, bảo vệ yên bình nơi biên giới, cuộc sống người dân.
Để xứng đáng với người bố liệt sĩ (từng là Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng 629, nay là Đồn Biên phòng Nhâm), Đại úy Lê Thể Lực, Đội trưởng Đội kiểm soát hành chính Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân luôn nỗ lực, cố gắng thực hiện, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ. Vững chãi trong những chuyến tuần tra biên giới, Đại úy Lê Thể Lực đang cùng đồng đội hôm nay, bước tiếp bước quân hành hùng tráng của thế hệ cha anh.
Mang theo tình cảm uống nước nhớ nguồn, đồng thời thực hiện trách nhiệm của một sĩ quan biên phòng, đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện A Lưới, Thiếu tá Nguyễn Đăng Đồng, Phó đồn trưởng Đồn BPCK Hồng Vân đã trăn trở, “ngược xuôi” kết nối và được mạnh thường quân hỗ trợ hàng chục chiếc xe lăn, để đơn vị tặng những thương binh cần sử dụng xe lăn, trên địa bàn.
Trong những ngày tháng 7 ý nghĩa này, các đồn biên phòng trên hai tuyến biên giới, các đơn vị trong toàn lực lượng BĐBP tỉnh dồn nhiều tâm huyết, thực hiện nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, như chăm sóc, chỉnh trang, quét dọn vệ sinh tại các nghĩa trang liệt sĩ; dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; phối hợp các đơn vị khác tặng quà, khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân thuộc đối tượng chính sách.
Trong buổi Đồn BPCK Hồng Vân tham gia phối hợp cùng Bệnh viện Quân y 268 và Đoàn KTQP 92 tặng quà, khám, phát thuốc miễn phí cho người dân đối tượng chính sách xã Trung Sơn (A Lưới), dù tất bật, nhưng Trung úy Phạm Thái Sơn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, cũng vẫn kịp thời đến cạnh, dìu đỡ cụ già đang tập tễnh những bước chân khó khăn. Hành động xuất phát từ tấm lòng nên chạm đến trái tim. Trước lúc ra về, cụ già không quên tìm người sĩ quan biên phòng trẻ. Xin được lấy hình ảnh cái nắm tay thật chặt và những lời bày tỏ xúc động của cụ già ấy thay cho lời kết: “Bố ấm lòng lắm. Bố cảm ơn các con…”.
Quỳnh Anh