Người lao động chữ nghĩa sẽ chẳng có lý do ngần ngại khi cầm bút

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang

Trở về từ Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang (hiện công tác ở Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế) đã có cuộc trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần xoay quanh câu chuyện, trăn trở về sân chơi văn chương của người trẻ.

“Vì sao chúng ta viết?” không chỉ là chủ đề của hội nghị, đó còn là câu hỏi và xa hơn là trách nhiệm đối với người viết văn trẻ. Với anh, anh có câu trả lời như thế nào?

Với tôi, viết trước hết là nhu cầu tự thân, là một đời sống khác song hành cùng cái sống đang diễn ra. Bản thân cái sự viết giải tỏa những cảm xúc, ý tưởng của người thực hành văn chương, nó thỏa mãn và trả lời những gì thuộc về hiện hữu, khao khát, hy vọng, biết ơn… Viết là hành trình cô độc miệt mài, là đối diện với chính mình trong niềm say mê với ngôn ngữ, với tưởng tượng, với cuộc sống đa diện, đầy màu sắc.

Bản thân tôi và nhiều cây bút khác không thể không viết, trong một mức độ nào đó, nó có ý nghĩa tương đồng với tồn tại, là động lực sống tích cực. Trách nhiệm trước hết là với tác phẩm của chính mình, là những “đứa con tinh thần” được tạo tác bằng thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, đầy tính cầu thị, tiến bộ, đáp ứng được các yêu cầu cao nhất có thể về nội dung và nghệ thuật.

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang (thứ 2, từ phải) tại hội nghị những người viết văn trẻ. Ảnh: NVCC

Trách nhiệm ấy lan tỏa trong những giá trị của cộng đồng, xã hội, quê hương, đất nước và xa hơn nữa là những giá trị phổ quát của nhân loại. Văn chương phải truyền tải được cái đẹp, những thông điệp có ý nghĩa nhân văn của đời sống và cao hơn nữa là sự cứu cánh của nhận thức, của những cảm nghiệm chân thực về cái sống, giá trị nhân bản.

Ngày nay các nhà văn trẻ được đánh giá có cách tiếp cận vấn đề, viết đa dạng, từ giọng điệu, đề tài cho đến nội dung. Nhưng nếu so sánh với tuổi trẻ của các thế hệ nhà văn đi trước, anh nghĩ sao?

Ở đây có nhiều góc độ để tiếp cận câu hỏi. Nếu như ở vị trí độc giả hay những siêu độc giả (nhà phê bình) họ sẽ có những câu trả lời hợp lý hơn. Riêng từ vị trí của mình, tôi nghĩ rằng mỗi thế hệ đều có những cơ hội và thách thức riêng, phụ thuộc vào sự vận động của đời sống cá nhân trong dòng chảy văn chương và sự tác động của thời cuộc. Dĩ nhiên, so với tuổi trẻ của Nam Cao, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng… trong văn xuôi; với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Đinh Hùng… trong thơ đã có những rực rỡ, vinh quang có tính tượng đài của thời kỳ trước 1945. Họ được vinh danh trong văn học sử và dĩ nhiên đã trải qua một khoảng thời gian khá lâu dài.

Cái danh, cái vang bóng trong văn chương như hạt gạo trên sàng, không dễ gì mà đọng lại. Những thứ bất hủ, kinh điển có thể không cần lấy thước đo thời gian vì ở thời đại nào con người cũng thưởng thức, cảm nhận được cả. Những tác phẩm ấy vượt lên thời gian để tồn tại.

Thế hệ trẻ hiện tại có những bước đi mới, có những đóng góp mới, có những vinh quang mới ở quy mô tác phẩm, tính thể nghiệm, sức tương tác với bạn đọc trong cơ chế thị trường, số đầu tác phẩm xuất bản, số lượng ấn bản lưu hành… Chúng ta cần có khoảng lắng đọng của thời gian, sự phản hồi của độc giả, sự sàng lọc có tính tự nhiên của quy luật xuất bản tác phẩm. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn có khả năng tìm được những hạt gạo trên sàng ấy.

Thuận lợi của người viết trẻ ở giai đoạn này, ngược lại – thiếu điều gì?

Một đời sống đa sắc, đa diện đang hiển hiện trước mắt, là “mỏ quặng” hiện thực dồi dào đầy hấp dẫn, khám phá. Một gia tài văn chương đông – tây – kim – cổ tràn ngập trong thư viện, hiệu sách, trên không gian mạng mở ra nhiều cơ hội học hỏi. Một kho tri thức đồ sộ ở cả hai không gian thực và số, cung cấp một lượng kiến thức khổng lồ nếu người viết trẻ chịu đào sâu, tìm hiểu.

Một thế hệ nhà văn đi trước đầy bản lĩnh, thành tựu, kinh nghiệm luôn sẵn sàng chia sẻ. Một thế giới rộng mở, lôi cuốn trải ra trước mắt nếu như người viết chịu khó trải nghiệm để mở ra cánh cửa nào đó của văn chương dành cho mình. Và vô số cơ hội được công bố tác phẩm đến bạn đọc trên báo chí, mạng xã hội, internet và đặc biệt nhất là sự đón chào của các nhà xuất bản. Đó là những thuận lợi cơ bản và vô số những thuận lợi khác.

Và chắc rằng, người viết trẻ như tôi và các bạn khác thiếu nhất là vốn sống, sự trải nghiệm với hiện thực. Theo tôi, cái đó là thiếu cơ bản và nhiều nhất của chất liệu cần có, cần phải khai thác, tích lũy của người viết. Ngoài ra, thiếu sự nghiêm túc, tận tụy với ngòi bút, sự ảo tưởng “dạng ngôi sao” khi có tác phẩm được tung hô, thiếu sự đồng cảm với đời sống, những khổ đau, cay đắng, bi kịch quanh mình…

Quay trở lại câu chuyện người viết trẻ đất Cố đô một chút. Anh được xem là “hàng hiếm” đại diện cho những người trẻ đi dự hội nghị, vinh dự chắc hẳn có, nhưng có áp lực không, thưa anh?

Tôi không bao giờ và cũng không muốn đặt bất kỳ áp lực nào lên sự viết cả. Văn chương là cái đến tự nhiên. Với văn chương, tôi vẫn còn có những đứa con chưa, sẽ và chuẩn bị ra đời và vẫn hy vọng sẽ có tác phẩm có thể nhảy qua cái bóng nhỏ bé của mình đâu đó trước kia.

Tôi chỉ có cảm giác nuối tiếc và lo lắng vì hiện tại người viết trẻ sinh sống và làm việc tại Huế giảm về số lượng, tạo ra một khoảng trống thế hệ khá lớn nếu như tương lai không được cải thiện, không bổ sung đội ngũ. Nhưng cũng vui được một phần vì người viết trẻ Cố đô họ vẫn viết khi ở một tỉnh, thành nào đó, thậm chí ở hải ngoại. Trong hội nghị, có hai tác giả trẻ là người Huế mình đại diện cho hai tỉnh bạn phía Nam, điều đó là một niềm vui trong chờ đợi.

Anh đánh giá như thế nào về thế hệ người viết trẻ của Huế ở thời điểm hiện tại? Thuận lợi và những thách thức so với đồng nghiệp trong Nam, ngoài Bắc?

Tuy số lượng có thể ít hơn so với một vài tỉnh, thành, nhưng tôi tự tin là người viết trẻ Huế ở thời điểm hiện tại đã chứng minh được cái riêng của văn mạch Huế. Và bao giờ cũng vậy, văn chương Huế luôn có sự khác biệt, có những giá trị thuộc về bản sắc, được thừa nhận, được đón chờ.

Có cảm nhận hình như đang có sự thiếu hụt ở lớp kế thừa, đúng không anh? Nếu đúng vậy theo anh vì đâu?

Sự thiếu hụt ở lớp kế thừa ngay trong tỉnh là đúng, nhưng tôi có nói ở trên, nhiều bạn trẻ là người Huế vì công việc, mưu sinh, hoàn cảnh vẫn làm văn chương nhưng ở trên địa phương khác. Sáng tạo văn chương thuộc về tư chất sẵn có, khả năng thiên phú, khó để bắt ép một ai trở thành nhà văn và ngược lại khó bắt một nhà văn phải dừng viết. Đến lúc nào đó, giữa lo toan, giữa bộn bề ngược xuôi này sẽ có những cây viết mới, những đại diện mới, tiếp tục giữ ngọn lửa văn chương của cuộc đất hơn 700 năm này.

Để có một sân chơi văn chương cho người trẻ, để họ được đắm chìm và tiếp nối, anh có lời khuyên gì đến với người viết trẻ theo sau cũng như mong muốn của cá nhân anh trong hành trình duy trì sân chơi văn chương đất Cố đô?

Sân chơi văn chương là cần thiết, trong quá khứ và hiện tại đã có và hiện có, tuy nhiên cần thêm những quy mô lớn hơn, đều đặn hơn và có tính thực tiễn hơn. Nó cần thiết ở chỗ là nơi sinh hoạt, nhóm họp những người có sự đồng điệu, đồng cảm về một địa hạt đam mê, để có thể chia sẻ, học hỏi, phát triển. Nó được nuôi dưỡng bằng sự xây dựng chân thành, bằng sự quan tâm cả về tinh thần lẫn vật chất.

Nhưng điều quyết định nhất vẫn là ở cá nhân người viết, nếu bạn thật là một người lao động chữ nghĩa, một con người của văn chương, sẽ chẳng có lý do nào khiến bạn ngần ngại, băn khoăn không cầm bút và sẵn sàng cho ra đời những đứa con tinh thần mà bạn (và có thể rất nhiều người) hằng mỏi mòn ngóng trông.

Xin cảm ơn nhà văn!

PHAN THÀNH (Thực hiện)

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …