Cô bạn của tôi – người đã luôn lựa chọn rau, củ, quả của một nhãn hàng lớn trên địa bàn cho bữa ăn hàng ngày của gia đình – đã nói về một thông tin trên Tuổi trẻ hôm 17/7. Đó là qua kiểm tra, cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện gần 50% số mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối có dư lượng hóa chất; hơn 40% mẫu hải sản phát hiện “mang theo” kim loại nặng, nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép. Thậm chí có sản phẩm phát hiện dư lượng của 7 hoạt chất. Chuyện cứ tưởng ở xa mình cả ngàn km, nhưng có lẽ, những ẩn họa đến từ thực phẩm và cả lương thực nữa vẫn là một khả năng rất dễ xảy ra ở bất cứ địa bàn dân cư nào.
Tôi nhớ mình đã “cạch mặt” dưa muối ở chợ sau khi xem phóng sự về việc người ta đã sử dụng chất vàng ô và lưu huỳnh để làm dưa có màu đẹp, bảo quản được lâu hơn. Ngày hôm qua, tôi cũng đã bỏ ¼ rổ măng đã được luộc sẵn vào giỏ rác vì cảm thấy bất an trước màu và vị của nó. Sau một đêm ở trong ngăn mát, chúng mềm oặt, nước rửa mấy lần vẫn có màu vàng và mùi măng đã biến mất. Nhưng đó cũng là những cái mà chúng ta nhìn thấy. Còn những cái khó định tính và định lượng, người tiêu dùng rất khó phân biệt. Đa phần lựa chọn bằng trực giác, và cả với một niềm tin tự mình gây dựng là nó đang ổn. Hoặc ít nhất, cứ tin vào việc người bán (mà mình quen/biết) có thể tin cậy được.
Có những điều băn khoăn hoài, nhưng theo quan sát của tôi thì nó vẫn hiện diện trong cuộc sống. Chẳng hạn như những thùng đựng sơn được nhiều người tận dụng để chứa bánh canh, nước bún trong các quán bán đồ ăn sáng; chứa các loại mắm bày bán ở chợ. Chưa thấy ai nói về dư lượng của hóa chất công nghiệp nơi những thùng nhựa đó, cũng không biết là tôi có quá lo hay không, nhưng thắc mắc thì vẫn cứ lơ lửng mỗi ngày. Lơ lửng y như mỗi khi về ngoại ô, ta lại bắt gặp bao bì của những loại thuốc trừ sâu, trừ cỏ hay vỏ thuốc kháng sinh trên mỗi bờ ruộng, vuông tôm… Câu chuyện có kiểm soát được chất lượng thuốc bảo vệ thực vật khi mỗi năm, Việt Nam nhập cả 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật từ hơn 2 năm trước, xem ra cũng vẫn còn lơ lửng. Người tiêu dùng, trong cuộc sống hàng ngày cũng không thể làm gì khác hơn ngoài những cái tặc lưỡi cho qua.
Trả lời câu hỏi chúng ta đang ăn gì, do vậy vừa quá dễ, lại vừa quá khó. Cố gắng để tự trả lời bằng cách cẩn thận hơn, biết cách truy xuất nguồn gốc hay tự trồng, tự chế biến có vẻ như còn là đáp số không phải của số nhiều; hoặc là của số ít những người có cơ hội và điều kiện.
May mắn và cả vui nữa, là gần đây trên địa bàn hầu như không xảy ra các ca ngộ độc cấp tính. Điều này cho thấy việc giám sát và kiểm tra các bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp đã tốt hơn rất nhiều, và có thể nói là tốt hơn nhiều địa phương khác. Nhưng cũng phải nói rằng, việc biết cách kiểm soát và tự kiểm soát để hạn chế những ẩn họa dài lâu, là điều nên và cần làm. Khi chúng ta tự trả lời cho chính mình/gia đình mình được câu hỏi “chúng ta đang ăn gì” thì có lẽ, đó cũng là khi chúng ta biết cách lập một rào cản an toàn (ít nhất là tương đối) đối với những tạp chất từ bên ngoài vào cơ thể.
MINH HÀ