Trưng bày sản phẩm của các cấp hội phụ nữ tại hội chợ
Chị Ngọ kinh doanh yến sào
Tuổi đời còn rất trẻ (sinh năm 1991), chị Trần Thị Ngọ ở thôn Tây Hoàng (Quảng Thái, Quảng Điền) tự tin khởi nghiệp bằng sản xuất và kinh doanh yến sào, là chủ nhân của cơ sở Yến Sào Đoan Ngọ Cố Đô.
Chị Ngọ chia sẻ, cuộc sống đang ngày một phát triển, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, ý thức nâng cao sức khỏe được chú trọng hơn. Nhằm mang đến tận tay người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, yến sào nguyên chất Đoan Ngọ của chị là sản phẩm được thu gom từ các nhà yến trên toàn tỉnh với những lợi ích thiết thực, rất tốt cho sức khỏe mọi lứa tuổi, đáp ứng được như cầu thực tế của người tiêu dùng trong mọi hoàn cảnh. Cơ sở sản xuất tại hộ gia đình theo quy trình truyền thống kết hợp hiện đại với sản phẩm đa dạng. Chất lượng sản phẩm của chị được khách hàng đánh giá cao, thương hiệu được bảo hộ với sự phục vụ tận tình, có nhiều chương trình khuyến mãi. Sản phẩm có nhiều phân khúc theo nhu cầu tài chính, quy trình sản xuất phù hợp với xu thế thị trường.
Khi mà xung quanh có nhiều cơ sở cùng phát triển kinh doanh với ý tưởng tương tự, chị Ngọ đã xác định phương châm nâng cao chất lượng – uy tín – tận tâm, nỗ lực kinh doanh liêm chính, có hướng phát triển riêng. Chị tự tin đảm bảo thành công khi đã có thị trường với lượng khách hàng ổn định; đối tác cung cấp nguyên liệu lâu dài với giá thành bình ổn; có chiến lược kinh doanh, marketting chuyên nghiệp; có thủ tục pháp lý rõ ràng; có đội ngũ mentor chuyên nghiệp cố vấn; giá thành sản phẩm ra thị trường rẻ; sản phẩm đa dạng, phong phú và mẫu mã hiện đại; có nhiều cơ hội xúc tiến thương mại.
Đến với “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”
Mô hình sản xuất và kinh doanh yến sào của chị Trần Thị Ngọ đã đạt giải Nhất cuộc thi “Phụ nữ Việt tự tin kinh doanh” năm 2022 do Unilever Việt Nam phối hợp với TW Hội LHPN Việt Nam triển khai. Thừa Thiên Huế có 55 sản phẩm dự thi. Cùng với giải nhất của chị Ngọ, Thừa Thiên Huế còn có thêm 1 giải nhất, 2 giải nhì và 2 giải ba cho hội viên phụ nữ – là chủ những cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ. Đó là các chị Trần Thị Lan Phương (phun xăm thẩm mỹ); Nguyễn Thị Ái Nhi (mô hình bán cà phê), Ngô Thị Hương (quán ăn sáng); Hoàng Thị Mỹ Hiền (cơ sở bán áo quần), Nguyễn Thị Thanh Lai (cửa hàng bán cà phê). Những thí sinh đạt giải sẽ được hỗ trợ từ 10 – 25 triệu đồng để phát triển các mô hình kinh doanh và bảo đảm sử dụng nguồn vốn hiệu quả trong thời gian tới.
Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” triển khai từ năm 2006 đến nay tại 10 tỉnh, thành trong cả nước; với 5 mô hình kinh doanh được phổ biến tại nông thôn, gồm: Tiệm tạp hóa, quán ăn, tiệm may, tiệm làm tóc, kinh doanh quần áo. Năm 2021, Chương trình tiếp tục mở rộng đến 3 tỉnh miền Trung, đó là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam với mong muốn giúp phụ nữ và các hộ gia đình vươn lên trước những khó khăn do thiên tai, bão lũ, dịch COVID-19 gây ra.
Sau khi phát động Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”, các hội viên phụ nữ tham dự lớp tập huấn được phổ biến những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, như: Phương pháp tìm hiểu nhu cầu khách hàng, lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, thương hiệu; kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh; kỹ năng bán hàng và marketing; cách quản lý nguồn vốn hiệu quả, quản lý tài chính, dòng tiền, định giá dịch vụ/hàng hóa và kỹ năng chăm sóc, tư vấn khách hàng… Ngoài ra, tại các lớp tập huấn, các hội viên phụ nữ giới thiệu, chia sẻ mô hình khởi nghiệp, cũng như kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp của bản thân.
Tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp
Khởi nghiệp là chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và việc làm của đất nước. Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ là tiềm lực khởi nghiệp to lớn trong phong trào quốc gia khởi nghiệp đã được Chính phủ khởi xướng. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 – 2025 nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Đề án tập trung hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý…
Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” được xem là cách hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, hướng đến khơi dậy các tiềm năng bên trong của chị em phụ nữ, xây dựng sự tự tin, trao cơ hội để họ chủ động đeo đuổi đam mê và viết nên câu chuyện của chính mình. Khi phụ nữ có được sự tự chủ kinh tế, họ sẽ chủ động hơn trong cuộc sống, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững và lan tỏa nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội.
Tại buổi gặp mặt hội viên tiêu biểu trong lĩnh vực kinh tế và phát động chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ: “Chị em hãy tự tin phát triển kinh tế thông qua khởi nghiệp”.
Cũng theo ông Thọ, bên cạnh khẳng định hơn nữa vai trò của phụ nữ trong khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan để có nhiều hơn những buổi tập huấn hỗ trợ chị em trong quá trình xây dựng thương hiệu, quản lý sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm… cũng như chị em cần tự tin phát triển kinh tế thông qua khởi nghiệp.
Bài, ảnh: Huế Thu