Có lẽ chưa chắc sẽ phạt được người nào nếu không triển khai việc giám sát thực hiện quy định chặt chẽ, nề nếp… nhưng quy định này hy vọng sẽ đánh động đến ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Tức là từ nay, người dân không còn được động viên chung chung mà có chế tài hẳn hoi nếu vi phạm.
Việc phân loại rác thải sinh hoạt gia đình từ trước đến nay có vẻ là điều “xa xỉ”. Tất tần tật rác thải rắn hay không rắn đều cho vào một giỏ. Từ đây rác thải sẽ được đổ ra thùng rác công cộng. Công ty vệ sinh môi trường có trách nhiệm thu gom.
Quy định có rồi nhưng vấn đề là kiểm soát điều này như thế nào, lực lượng nào giám sát để thực hiện? Nếu tổ chức được lực lượng giám sát thì tình hình sẽ khác. Nó khác ở 2 chỗ – vừa buộc người dân phải thực hiện và thông qua đó nâng cao ý thức cùng tham gia bảo vệ môi trường của người dân. Nếu không tổ chức được, tổ chức tốt thì có quy định… cũng như không. Ví dụ một gia đình xách một bì rác thải ra thùng rác công cộng, ai làm sao biết cái gì trong đó? Tóm lại là phải có lực lượng giám sát để thực hiện. Đây là điều quan trọng nhất.
Ở TP. Huế, trước đây chúng ta thấy việc lấn chiếm vỉa hè, hoặc ở các chợ buôn bán tràn ra đường tưởng khó dẹp. Nhưng từ khi có lực lượng quản lý đô thị thì tình hình khác hẳn. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động, giờ là lúc ai vi phạm thì bị tịch thu phương tiện – bàn ghế, biển hiệu, thúng mủng… và bị phạt hành chính. Làm quyết liệt thì người dân không dám vi phạm nữa. Vi phạm là mất tài sản, mất tiền.
Tương tự, trong lĩnh vực quản lý chất thải hộ gia đình cũng vậy. Tổ chức lực lượng giám sát như thế nào là việc của nhà quản lý, tức là chính quyền. Đừng mong người dân có ý thức triệt để.
Thời gian qua, TP. Huế và các địa phương làm rất tốt phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”. Nhưng hiện nay, có vẻ như phong trào “chùng xuống”. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đi kiểm tra thực tế một số địa phương thì phát hiện điều này. Ông nhắc nhở: “Các cấp, ngành, địa phương và bà con nhân dân cần tiếp tục đưa phong trào đi vào cuộc sống thực chất và trở thành hành động, nếp sống thường xuyên của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội”. Nếu chính quyền không đốc thúc và hành động liên tục thì phong trào có khả năng dẫn đến “đầu voi đuôi chuột”. Chúng ta đã xây dựng được phong trào, phong trào thực hiện tốt rồi nhưng nếu không tiếp tục duy trì được thì đó là điều đáng tiếc. Ở đây vai trò của chính quyền địa phương, cụ thể là phường, xã rất quan trọng.
Trở lại vấn đề phân loại chất thải rắn. Thực ra, giám sát việc phân loại rác thải của từng hộ gia đình là rất khó nhưng không phải là không giám sát được. Ở Nhật, lực lượng thu gom rác thải sẽ làm công tác giám sát. Người Nhật phân loại rác rất cẩn thận theo 4 loại rác nhựa, rác tái chế, đốt được và không đốt được, sau đó mới bỏ vào túi. Nếu người dân nào thực hiện không đúng, các nhân viên thu gom sẽ để lại rác để người vứt phải đem về phân loại cho chuẩn xác. Nếu tiếp tục vi phạm, người vứt rác sẽ bị nhắc nhở và bị kỳ thị. Tất nhiên, đối với một nước mà ý thức bảo vệ môi trường của người dân cao thì chúng ta khó so sánh. Nhưng nếu không bắt đầu thì khó có điểm kết thúc. Và như vậy, những quy định vẫn còn nằm trên giấy!
Nguyên Lê