Gác Trịnh & người giữ kỷ niệm của nhạc sĩ “diễm xưa”

Trong bộ phim “Em và Trịnh”, thành phố Huế cổ kính đã tạo nên những thước phim đầy ấn tượng, dạt dào cảm xúc. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh vô cùng công phu trong việc chọn lựa một số địa điểm ở Huế để quay phim, những nơi gắn liền với cuộc đời của Trịnh Công Sơn và vẫn còn lưu giữ hồn xưa nét cũ. Nằm ở tầng 2, số nhà 203/19, đường Nguyễn Trường Tộ (cạnh dòng sông An Cựu), Gác Trịnh trở thành phim trường để đoàn làm phim thực hiện một số cảnh quay.

Bút tích của Trịnh Công Sơn đặt ở Gác Trịnh

Gác Trịnh một đêm mưa

Đến Gác Trịnh, chúng tôi như lạc vào không gian hoài niệm và cổ xưa. Đêm chúng tôi đến, lác đác vài vị khách ngồi nhâm nhi cà phê phin ở ban công nhìn xuống lòng đường. Trời bất chợt đổ mưa, những hạt mưa xiên vào ban công căn nhà số 203/19.

Căn gác nhỏ trên đường Nguyễn Trường Tộ đã lưu giữ lại phần nào những kỷ niệm đẹp về người nhạc sĩ tài hoa, là nơi ông từng ngồi ngắm nhìn vẻ đẹp của cô nữ sinh tên Diễm vẫn thường đi về trên vỉa hè đối diện, cảm nhận thấm thía những nỗi buồn trong tình yêu đơn phương. Đó cũng chính là cội nguồn cảm xúc của ca khúc “Diễm xưa” bất hủ.

Đêm mưa Huế không đủ làm tan cái nóng, nhưng đủ để chúng tôi thấu cảm đôi phần cái hay của bài hát “Diễm xưa”, với những ca từ phảng phất chút buồn của một mối tình đơn phương: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao/ Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ…”. Cây đàn ghita, tờ giấy ngả màu có bút tích của Trịnh đặt trên bàn ở căn gác lửng nơi ông thường ngồi làm việc, lá thư mà bà Dao Ánh gửi tặng lại cho Gác Trịnh, ô cửa hình tròn nhìn ra khu vườn nhỏ nơi nhạc sĩ thường ngồi đàn hát cùng gia đình và bè bạn… đều có sức gợi lớn lao. Chúng tôi ngỡ như Trịnh Công Sơn vẫn còn đâu đó trong căn gác này.

Người giữ hồn gác Trịnh

Kết Vinh, người đàn ông cởi mở và nhiệt tình kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng giọng Huế rất ngọt. Trong giai điệu “Hạ trắng” (áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau), anh dẫn chúng tôi từ Trịnh Công Sơn thuở còn trẻ, còn ngồi trên Gác Trịnh nhìn bóng Diễm mỗi khi tan trường đến khi Trịnh Công Sơn tóc bạc. Chúng tôi hiểu rằng, con người ấy đã dành cho Trịnh và âm nhạc một tình yêu mãnh liệt.

Tốt nghiệp thạc sĩ Công nghệ thông tin, Kết Vinh có niềm đam mê với âm nhạc, hội họa và văn học. Điều đặc biệt là anh đã trở thành “hướng dẫn viên” dẫn khách đến Gác Trịnh đi từ câu chuyện này đến câu chuyện khác. Vinh chia sẻ: “Quán cà phê này vốn của anh trai mình, tên là Lê Huỳnh Lâm, một trong những người yêu thích Trịnh Công Sơn. Anh Lâm thuê lại của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, ban đầu là lưu giữ lại những kỷ niệm về Trịnh Công Sơn”.

Để khách đến thăm Gác Trịnh lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp, chủ quán còn nghĩ ra hình thức quyển sổ lưu niệm để mỗi vị khách đến có thể ghi vào đôi dòng cảm xúc – kỷ niệm một lần đến với Gác Trịnh. Quyển sổ cứ đầy dần theo thời gian, trong những trang viết đó, có cả những trang của nghệ sĩ nổi tiếng, nhà báo, nhà văn… trong cuộc sống hiện đại vẫn không ngừng mến mộ dòng nhạc Trịnh sâu lắng.

Từng ngõ ngách của căn gác nhỏ nhưng lại mở ra một khoảng trời hoài niệm rộng lớn. Kết Vinh giới thiệu vài bức tranh do chính tay anh vẽ, về những năm tháng anh đi về Gác Trịnh, giữ hồn cho căn gác, giữ hồn cho ca khúc “Diễm xưa”. Anh chia sẻ: “Mình và anh mình mong muốn rằng nhiều người sẽ biết đến Gác Trịnh và người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Giữa lúc nhiều dòng nhạc ồ ạt du nhập vào nước ta, việc giữ gìn và quảng bá dòng nhạc Trịnh độc đáo luôn là điều cần thiết. Trịnh Công Sơn sống mãi, nhạc Trịnh còn mãi…”.

Bài, ảnh: HOÀNG KHÁNH DUY

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …