Sự học bây giờ khác xưa nhiều lắm. Mà khác cũng phải, “ thời thế thế thời phải thế”. Ý nói mọi thứ không bao giờ đứng yên.
Nhớ xưa vào lớp 1 tôi học trường tư. Mang theo vở và cây viết mực. Lỡ đổ mực trên vở thì cúi xuống chân nhóm nắm đất mịn đổ lên trang giấy cho hút hết mực. Rất ít học trò nào không lấm lem mực! Bây giờ sách vở thừa mứa. Thừa đến độ lãng phí. Cái lãng phí thì ai cũng nhận ra, nhưng chẳng ai giải quyết. Ngay ngành giáo dục cũng không.
Điều mà tôi muốn đề cập là chuyện bán sách tham khảo, bán sách bài tập. Sách hồi trước thì chị để lại cho em. Em học xong rồi để lại cho em sau nữa. Giờ không để lại được. Sách bài tập đề bài, câu hỏi thì nhà sách in. Thầy cô giáo bằng cách nào đó bán cho học sinh. Phụ huynh mua (hoặc phải mua). Chị điền vào câu trả lời, nộp cho thầy cô. Làm sao xài lại lần hai cho em út?
Cái lãng phí đầu tiên là môi trường. Sách vở làm từ giấy. Giấy được làm từ bột cây rừng. Rừng được trồng trên đất… Vật liệu nhựa thì chúng ta kêu gọi hạn chế hoặc loại bỏ sử dụng một lần. Còn sách thì sao!? Thế mà nó vẫn tồn tại. Cái này không hề “bí mật”. Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa biết. Nếu không biết thì không còn là Bộ quản lý. Thế nhưng tại sao nó vẫn tồn tại nhiều năm?
Trước tiên nói về lãng phí. Như trên đã nói, lãng phí về chất lượng môi trường. Lãng phí tiền của phụ huynh, lãng phí cảm xúc (nếu bực tức)… Đã có mua bán thì có người được lợi. Lợi trong bán sách là nhà xuất bản, nhà sách, nhà trường… Xét về mặt thị trường, sự buôn bán ở đây thiếu minh bạch và tính cạnh tranh. Anh ra nhà sách, thích sách gì, nhu cầu thế nào anh mua thế ấy. Còn ở trường, có khi không muốn cũng phải mua. Trò muốn viết vào vở nhưng đã có sách in sẵn rồi. Thế là đôi khi lãng phí điều kiện sáng tạo.
Tất nhiên môi trường nào cũng cần trong sáng. Nhưng nếu môi trường giáo dục vẫn đục thì tai hại gấp nhiều lần. Bởi giáo dục là quốc sách. Giáo dục là môi trường đầu tiên đào tạo nên tri thức và nhân cách con người. Nếu môi trường giáo dục cứ “lấm lem” tiền bạc thì càng tai hại.
Dưới góc nhìn kinh tế, rõ ràng ở đây có sự lấm lem tiền bạc. Không thể nói giáo viên, nhà trường bán sách sử dụng một lần không nhận ra sự lãng phí. Giáo viên nếu vì học sinh thì đã không ép học sinh làm cái việc lãng phí. Có thể là vì lợi nhuận? Vụ Việt Á trong ngành y tế thối lại cả hàng chục phần trăm. Liệu trong ngành giáo dục các nhà in sách có thối lại phần trăm?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định cấm việc này từ lâu. Mà nó vẫn diễn ra, thế là, ở cấp Trung ương là bộ, ở cấp địa phương là sở, cấp dưới nữa là các phòng giáo dục, cấp dưới nữa là các trường, thiếu sự kiểm tra, giám sát…
Chúng ta hãy làm quyết liệt để kết thúc việc này. Như trên đã nói, môi trường giáo dục rất cần trong sáng, không lấm lem tiền bạc.
Chuyện bán sách giáo khoa bán kèm sách tham khảo, sách bài tập sử dụng một lần có gì khó phát hiện đâu, nó diễn ra công khai. Các thầy, các cô, các trường có thể lý giải điều này là vì học sinh cần. Nhưng nếu học sinh cần thiệt thì nên nhắc nhở học sinh cần làm việc khác để tiết kiệm hơn. Không nên hoặc hạn chế những thứ sử dụng một lần rồi bỏ. Bộ nhắc nhở nhưng nếu phát hiện làm sai, Bộ sẽ xử lý như thế nào?
Sách làm từ giấy. Giấy làm từ bột gỗ. Bột gỗ làm từ cây rừng. Cây rừng sống được là từ đất và nước… Suy cho cùng, lãng phí sách vở chúng ta vô tình bóc lột thiên nhiên. Mà thiên nhiên là môi trường sống của chúng ta.
NGUYÊN LÊ