Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2022
Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2022, đây là một kỳ Festival thể hiện diện mạo mới, sức sống mới, khẳng định vị thế là thành phố Festival đặc trưng; mở ra một chặng đường mới, hướng đến phát triển kinh tế – xã hội từ lễ hội.
Đây là kỳ Festival Huế đầu tiên được tổ chức theo định hướng bốn mùa. Với chuỗi các hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra quanh năm, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, lễ hội mới được phân bố theo chủ đề từng mùa. Festival Huế 2022 được tổ chức là sự khẳng định cho nỗ lực của Thừa Thiên Huế đưa cuộc sống trở lại bình thường sau đại dịch và là sự kiện góp phần kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch “chủ động – bền vững – an toàn”.
Tuần lễ Festival Huế 2022 đã khép lại, ông có thể đánh giá những thành công nổi bật của lễ hội năm nay?
Qua các hoạt động của tuần lễ Festival Huế 2022, dù biểu diễn nghệ thuật hay trưng bày, triển lãm, hội thảo, hội nghị… nhưng mục đích cuối cùng là tôn vinh các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, là nơi giao lưu của các vùng miền văn hóa đặc sắc trên thế giới.
Festival năm nay, về cơ cấu chương trình được tổ chức chú trọng các chương trình, sân khấu mở hướng đến cộng đồng, để người dân có thể tiếp cận lễ hội một cách tốt nhất. Các sân khấu không còn bó hẹp trong khu vực Đại Nội mà mở rộng dọc sông Hương, khai thác lần đầu tiên cồn Dã Viên, nơi được quy hoạch trở thành công viên văn hóa đa năng mới của TP. Huế.
Hướng đến khán giả trẻ, các sân khấu được thiết kế, bố trí phù hợp để thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ có hiệu quả tức thì, khi những sân khấu có những chương trình phù hợp với giới trẻ đã có khán giả rất đông. Như chương trình biểu diễn của ban nhạc Da LAB tối 29/6, ước tính đã có khoảng hơn 5.000 khán giả có mặt để theo dõi, thưởng thức.
Tất cả các hoạt động năm nay, hầu hết đều thu hút lượng lớn khán giả và cộng đồng đều phản hồi rất tích cực về các chương trình; các nghệ sĩ cảm thấy hài lòng và đánh giá cao khi biểu diễn tại Festival Huế. Đó là những thành công ngoài mong đợi.
Mong muốn phô diễn, quảng bá đến công chúng và du khách di sản văn hóa Huế một cách hiệu quả, nhiều loại hình, như Tuồng cung đình Huế gần như bị lãng quên, nay có chương trình riêng để nhắc lại một thời huy hoàng, một loại hình văn hóa độc đáo của Huế. Hay các trò diễn dân gian ở các huyện cũng được quảng bá, giới thiệu.
Đêm gala giã bạn là chuỗi các tiết mục mang phong cách trẻ trung, năng động
Festival năm nay được đánh giá rất cao về khía cạnh tham gia, chung sức của cộng đồng, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Để nói về chủ thể, cần đánh giá ở hai khía cạnh. Thứ nhất là các chương trình nghệ thuật. Nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy, lực lượng nghệ sĩ ở Huế được huy động hoàn toàn vào các chương trình. Bên cạnh đó, một số diễn viên không chuyên, câu lạc bộ, người dân tham gia vào các hoạt động chính, cũng như hoạt động đường phố. Các chương trình biểu diễn, khoảng cách giữa nghệ sĩ và người dân được xóa nhòa. Không còn là sự biểu diễn một chiều từ nghệ sĩ đến khán giả, mà đó là sự tương tác. Đây là không khí lễ hội người dân đóng góp và hòa mình vào. Điều này thể hiện người dân vừa là người được thụ hưởng vừa là chủ thể.
Thứ hai, có rất nhiều hoạt động mà chúng tôi huy động lực lượng, cũng như thu hút sự tham gia của các địa phương trong tỉnh, chứ không riêng TP. Huế. Các hoạt động gắn với festival như “Chợ quê ngày hội”, lễ hội đường phố với những trò diễn dân gian hấp dẫn. Các huyện tham gia tích cực và tự bỏ kinh phí.
Sự chung tay của người dân, cộng đồng cũng được thể hiện với các hoạt động kinh doanh buôn bán. Người dân đã mạnh dạn đầu tư nhiều hơn sau dịch bệnh để phục vụ tốt nhất các nhu cầu của khách hàng.
Qua lễ hội cho thấy, nhu cầu giải trí, có những tụ điểm, hay chương trình để người dân tham gia thường xuyên đang còn hạn chế. Vậy kế hoạch về điều này như thế nào, thưa ông?
Đúng là như thế. Đó là mục đích để lãnh đạo tỉnh và Ban tổ chức định hướng tổ chức lễ theo hướng bốn mùa. Không chỉ trong tuần lễ này, mà trong các mùa đều có những chương trình, với những chủ đề khác nhau để kích thích sự tham gia của công chúng, cũng như đáp ứng nhu cầu của công chúng trong tỉnh. Như sang mùa thu có lễ hội Lân gắn với dịp tết Trung thu, vừa dành cho thiếu nhi vừa có các hoạt động thu hút giới trẻ; sang mùa đông sẽ có chuỗi lễ hội âm nhạc. Qua mỗi lễ hội sẽ tích lũy kinh nghiệm và xâu chuỗi các chương trình, lễ hội phù hợp để tổ chức hiệu quả nhất trong thời gian đến.
Tuần lễ Festival Huế 2022 vẫn còn những “hạt sạn”, Ban tổ chức sẽ khắc phục như thế nào vì lễ hội sẽ tổ chức thường xuyên hơn?
Tất nhiên rồi, với một lễ hội lớn như Festival Huế, việc xảy ra những vướng mắc, còn những “hạt sạn” trong khâu tổ chức là điều khó tránh khỏi. Mỗi kỳ festival qua, chúng tôi đều phải ngồi lại và nhìn nhận, đánh giá nguyên nhân các thiếu sót để hoàn thiện hơn cho kỳ sau. Nhưng với một lễ hội phức tạp, kéo dài thời gian, cần có tính đổi mới liên tục như thế, thì sợi dây kinh nghiệm vẫn sẽ còn rất là dài.
Như chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn năm nay, khán giả có vé mời vẫn không vào được. Đó là thiếu sót phải thú thật là khó khắc phục. Bởi lý do nhu cầu của khán giả quá lớn so với khả năng đáp ứng của Ban tổ chức. Khi mà áp lực từ phía khán giả lớn như vậy, chắc chắn sai sót sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, sự phối hợp trong khâu tổ chức chưa được nhịp nhàng, điều này phải được đánh giá nghiêm túc.
Doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 155 tỷ đồng Sau 6 ngày đêm cùng hội ngộ tại TP. Huế xinh đẹp, cùng nhau góp nhặt nên những chương trình nghệ thuật hấp dẫn phục vụ khán giả và công chúng, tối 30/6, tại sân khấu cồn Dã Viên, đêm gala giã bạn được Ban tổ chức Festival Huế 2022 tổ chức đầy cảm xúc và lưu luyến. Đêm gala giã bạn “Chào Huế!” được tổ chức với sân khấu mở và tương tác, là lời chào tạm biệt và lời cảm ơn dành cho những người bạn gần xa đã đến với Cố đô, cùng nhau sống trong những khoảnh khắc trọn vẹn với chuỗi 8 chương trình chính, 34 buổi biểu diễn nghệ thuật và hơn 30 hoạt động hưởng ứng, đồng hành đã diễn ra liên tục tại 11 sân khấu. Nhiều chương trình, lễ hội chính đã thu hút hàng chục ngàn khán giả như Chương trình Nghệ thuật Khai màn (khoảng 10.000 khán giả); Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hoá” (khoảng 12.000 khán giả), Lễ hội Bia (khoảng 9.000 khán giả); Chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế (khoảng 25.000 khán giả); Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn (khoảng 6.000 lượt người); Chương trình “Hoàng Cung giao hòa” (khoảng 3.000 lượt người); Đêm Gala Chào Huế (gần 8.000 lượt người). Các hoạt động hưởng ứng tại Festival Huế đã thu hút số lượng lớn khán giả tham gia: Ngày hội Áo dài cộng đồng Huế 2022 khoảng 8.000 lượt; Lễ hội Ẩm thực “Kinh đô Ẩm thực Huế với bốn phương” 45.000 lượt; Lễ hội “100 món ăn đường phố” khoảng 30.000 lượt; Lễ hội Khinh khí cầu “Cố đô Huế nhìn từ bầu trời”, với hàng ngàn khán giả đến xem trong đó có 1.600 lượt khách bay treo, 75 lượt khách bay tự do; Lễ hội “Chợ quê ngày hội” có khoảng 170.000 lượt; Hội chợ Thương mại Festival Huế 2022 với trên 70.000 lượt; Đêm nhạc EDM có 1.500 lượt tham gia. Số liệu thống kê từ Sở Du lịch trong thời gian từ 23 – 30/6, tổng số du khách đến Thừa Thiên Huế ước đạt 180.000 lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 155 tỷ đồng. Khách lưu trú ước đạt 72.000 lượt (trong đó có gần 2.200 khách quốc tế), công suất phòng khách sạn bình quân đạt 85% (riêng ngày 24 và 25/6 công suất phòng của các khách sạn trên 93%). |
Đức Quang (thực hiện)