Tăng lương tối thiểu vùng: Cân nhắc thời điểm, mức tăng

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7.

Về việc tăng lương tối thiểu vùng, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10, cho hay, hiện đơn vị sử dụng khoảng 7.500 lao động (LĐ), tổng quỹ lương mỗi tháng từ 75-80 tỷ đồng.

Nếu tính cả các đơn vị gia công hàng cho tổng công ty, toàn hệ thống sử dụng khoảng 12-13.000 LĐ. Việc tăng lương tối thiểu vùng, theo ông Long, dù lập luận tăng hay không tăng đều có lý.

“Nếu tăng, mức tăng chỉ nên xét ở yếu tố bù trượt giá, chưa nên cộng thêm yếu tố tăng trưởng kinh tế, cải thiện một bậc đời sống LĐ, vì doanh nghiệp (DN) cũng cần thời gian để phục hồi sau 2 năm dịch bệnh. Ngoài ra, vẫn còn nhiều DN nhỏ khó khăn, phải thu hẹp hoặc dừng sản xuất, nếu lương tăng cao họ khó gượng được”, ông Long nhận định.

Theo đại diện May 10, năm 2021, bình quân thu nhập LĐ của công ty khoảng 8,3 triệu đồng/người/tháng, cao gần gấp đôi lương tối thiểu. Vì vậy, lương tối thiểu tăng hay không không làm thay đổi quá nhiều thu nhập của LĐ. Tuy nhiên, việc tăng lương sẽ làm tăng các chi phí khác của DN vốn được tính theo lương tối thiểu.

Về tình hình sản xuất, theo ông Long, từ cuối năm ngoái, công ty đã ký đơn hàng tới hết tháng 6 năm nay, một số đơn hàng tới tháng 9.

Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán tới nay, nhiều LĐ của công ty phải điều trị COVID-19 làm gián đoạn sản xuất, nguy cơ bị phạt hợp đồng vì không giao hàng đúng hẹn. Tháng 3 vừa qua, công ty có tới 70% LĐ là F0 phải nghỉ làm (nay khoảng 10%), với thời gian nghỉ bình quân 10 ngày, chưa kể khi đi làm lại sức khỏe cũng giảm sút ảnh hưởng tới hiệu quả công việc.

“Đơn hàng năm nay không phải vấn đề, nhưng vấn đề ở thiếu người làm”, ông Long nói.

Đã tới lúc phải tăng?

Từ đầu năm 2022 tới nay, đặc biệt từ dịp Tết Nguyên đán xảy ra một số vụ việc người lao động (NLĐ) ngừng việc tập thể để đòi tăng lương, tăng chế độ phúc lợi. Những vụ việc này tạo sức ép không nhỏ lên thị trường LĐ, tình hình phục hồi của các DN sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cho biết, phiên họp đầu tiên trong tuần qua, Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam đề xuất tăng từ 1/7 tới, nhưng các thành viên khác vẫn chưa đồng thuận tăng.

Về đề xuất của Tổng Liên đoàn LĐ là tăng lương tối thiểu thêm khoảng 7% từ ngày 1/7, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện người sử dụng LĐ tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia) từ chối bình luận.

“Giờ cần chốt có tăng lương tối thiểu hay không. Tới lúc này, tôi thấy việc tăng lương tối thiểu là phù hợp sau gần 2 năm chưa tăng. Còn tăng khi nào, mức bao nhiêu cần tiếp tục thảo luận, đánh giá tác động tới DN, chỉ tiêu lạm phát, khả năng chi trả của DN…”, ông Phòng nói.

Cũng theo đại diện người sử dụng LĐ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, giá thành sản phẩm của DN được tính theo năm trên cơ sở tiền lương cố định, nên việc tăng lương giữa năm (ngày 1/7 – PV) không phù hợp, tăng vào đầu năm sẽ hợp lý hơn.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cho rằng, việc tăng lương rất tốt với NLĐ, đặc biệt sau 2 năm chưa điều chỉnh vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, cũng phải cân đối với khả năng của DN, đặc biệt là DN nhỏ mới phục hồi, khả năng chi trả còn thấp. Giờ cần thêm các khảo sát, đánh giá thực tế đời sống NLĐ, khả năng chi trả của DN. Nếu tăng, theo ông Huân, nên tăng vào đầu năm 2023, để DN đưa vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tránh xáo trộn không cần thiết.

“Lương tối thiểu chỉ là mức sàn, quan trọng nhất là thương lượng giữa NLĐ và DN để có mức lương đảm bảo cân bằng quyền lợi hai bên. Tuy nhiên, lâu nay khả năng thương lượng tăng lương của NLĐ, đặc biệt là tổ chức công đoàn – cơ quan đại diện cho NLĐ chưa thể hiện được, nên phải dựa vào lương tối thiểu”, ông Huân nói. Theo ông, lương tối thiểu cho năm tới có thể xem xét tăng 7-8% so với hiện hành.

Theo tienphong.vn

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

CEO Central Pharmacy: “Chinh phục khách hàng khó tính từ những chi tiết nhỏ nhất”

Đại dịch COVID-19 không chỉ để lại những hậu quả nặng nề cho ngành y …