Người dân khai báo y tế khi đến nơi đông người.Ảnh: TTXVN
Áp dụng tùy tình huống
Từ khi Hà Nội “nới” quy định, được mở cửa hàng quán sau 21 giờ đêm, các con phố ăn uống trở nên nhộn nhịp, cuộc sống như dần “hồi sinh” sau thời gian dài giãn cách, hạn chế hoạt động vì dịch bệnh. Tại các cửa hàng trên những phố ăn đêm như: Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến… (Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn tấp nập người dân, khách du lịch vào các buổi tối.
Đi ăn đêm cùng nhóm bạn, chị Nguyễn Lan Hương ở Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cũng như các bạn tôi đều đã tiêm đủ vaccine, đa số trong chúng tôi đều đã mắc COVID-19. Tuy không chủ quan khi đến nơi công cộng, nhưng nếu đã cho phép mở cửa hàng quán ăn đêm, theo tôi, quy định về việc không tụ tập đông người, hay giữ khoảng cách hiện nay đã không còn phù hợp”.
“Nếu mở cửa mà vẫn áp dụng việc hạn chế tụ tập đông người như trong quy định 5K thì các hàng quán chúng tôi cũng khó làm ăn, khôi phục kinh tế, vì sẽ có nhiều khách đến cùng lúc, nếu từ chối thì chúng tôi không thể giữ chân khách hàng”, một chủ cửa hàng tại đây chia sẻ. Hay đi khám tại bệnh viện, bà Đỗ Thị Bích ở Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) loay hoay với việc khai báo y tế, nhất là mục khảo sát có từng tiếp xúc với người nghi nhiễm, có đi từ vùng dịch về hay không”.
“Hiện nay dịch ở khắp nơi trong cộng đồng, chỗ nào cũng là vùng dịch thì việc khai báo có đi từ vùng dịch không khiến tôi không biết khai thế nào; nếu thế thì tất cả người dân đều thuộc diện nguy cơ và phải sàng lọc, sẽ rất tốn kém”, bà Đỗ Thị Bích cho biết.
Những ngày gần đây, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 ở Việt Nam liên tục giảm. Từ gần 200.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, hiện nay con số này đã xuống dưới 90.000 ca/ngày, nhiều tỉnh thành phố đang giảm dần số ca mới. Riêng tại Hà Nội, là địa phương có số mắc dẫn đầu cả nước, cũng đã qua giai đoạn cao điểm của dịch với số ca mắc liên tục giảm nhanh từ trên 30.000 ca/ngày xuống còn dưới 10.000 ca/ngày.
Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao, đa số người dân đã được tiêm đủ 2 mũi và mũi nhắc lại, hiện tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nặng, tỷ lệ tử vong đã giảm rõ rệt mặc dù số mắc vẫn còn cao. Tại Hà Nội, số ca tử vong do COVID-19 từ trên 20 ca tử vong/ngày vào thời kỳ cao điểm, những ngày gần đây cũng giảm rõ rệt, có ngày không ghi nhận ca nào.
Trong bối cảnh mới, việc thích ứng với dịch COVID-19 đã “cởi mở” hơn, nhiều hoạt động được khôi phục trở lại như: Việc mở cửa lại hoạt động du lịch ở cả đường không, đường bộ, đường biển đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới; cho phép hàng quán hoạt động đến sau 21 giờ đêm; các cơ quan, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, cho học sinh trở lại trường học…
Trước tình hình đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi và linh hoạt hơn trong việc thực hiện quy định 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung đông người – Khai báo y tế); vì một số một số quy định không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Trao đổi về ý nghĩa của quy định 5K trong tình hình hiện nay, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng: “Về các biện pháp phòng dịch hiện nay, quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng vệ cá nhân, trong đó: Khẩu trang, sát khuẩn là quan trọng nhất. Việc khai báo y tế là việc của giai đoạn trước, hiện chúng ta có thể bỏ qua. Bởi ngay cả trong thời kỳ cao điểm của dịch vừa qua, chúng ta cũng không tập trung vào việc truy vết nữa, nên việc khai báo là không cần thiết, và không còn nhiều ý nghĩa”.
Về việc hạn chế tụ tập, theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, cũng cần cân đối giữa việc phát sinh ca bệnh, việc lây nhiễm với phát triển kinh tế xã hội. Về cơ bản, việc quy định hạn chế tụ tập đông người không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay vì sẽ ảnh hưởng đến việc học hành, kinh doanh, đi lại, khôi phục kinh tế…
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhận định: “Việc khai báo y tế, hiện vẫn còn một số nơi đang áp dụng nhưng không bắt buộc tất cả phải thực hiện; nhiều nơi cũng không phải thực hiện khai báo nữa. Như vậy, việc áp dụng là linh hoạt. Với khuyến cáo không tụ tập đông người cũng áp dụng tùy theo điều kiện, bối cảnh; hiện chúng ta đã không còn xử phạt nghiêm ngặt việc tụ tập đông người nữa.
“Tuy nhiên, những đối tượng như: Người già chưa tiêm vaccine, người già có bệnh nền, trẻ em, người chưa mắc bệnh có bệnh nền… vẫn nên được khuyến cáo hạn chế tụ tập vì những đối tượng này, khi bị lây thì bệnh có thể diễn biến nặng”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, hiện việc khai báo y tế vẫn còn phù hợp với một số đối tượng cụ thể như: Với những người nước ngoài vào Việt Nam phải khai báo trước khi nhập cảnh, người dân Việt Nam khi ra các nước vẫn được yêu cầu khai báo y tế; thậm chí trong nước, một số đơn vị cần an toàn tuyệt đối phòng dịch vẫn áp dụng việc khai báo y tế. Kể cả sau này, nếu dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, có chủng virus mới xuất hiện nguy hiểm hơn thì vẫn có thể tiếp tục áp dụng, nhất là việc hạn chế tụ tập đông người để phòng dịch lây lan theo tình huống mới.
Theo đó, các nội dung trong khuyến cáo 5K cần linh hoạt, chứ không phải bất kỳ chỗ nào, lúc nào cũng phải máy móc thực hiện hết các quy định 5K. Trong đó, cần phân biệt nguyên tắc nào là ưu tiên và nguyên tắc nào là hỗ trợ cho nhau và thực hiện tối đa có thể được tùy theo công việc, hoạt động… Cụ thể, các quy định về: Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế chỉ nên khuyến khích người dân thực hiện thay vì bắt buộc.
Duy trì thói quen phòng dịch
Theo các chuyên gia, với bất kỳ chủng nào, virus SARS-CoV-2 vẫn có cơ chế lây lan theo đường hô hấp qua việc phát tán giọt bắn chứa virus; nguy cơ lây nhiễm cao trong các trường hợp tiếp xúc gần, trong môi trường kín, tập trung đông người; vì vậy ý thức dự phòng cá nhân có thể giúp việc giảm lây nhiễm.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhận định: Thực tế cho thấy, hiệu quả bảo vệ của vaccine, kể cả miễn dịch sau mắc COVID-19 là ngắn, chỉ từ 3- 6 tháng; thậm chí những người đã tiêm vaccine rồi vẫn có thể mắc và lây nhiễm cho người khác, người đã mắc rồi vẫn có thể mắc chủng khác… Tuy nhiên, phần lớn người nhiễm hiện nay thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Trong bối cảnh mở cửa các hoạt động như hiện nay, quan trọng nhất là người dân cần nâng cao ý thức dự phòng cá nhân; trong đó khẩu trang và sát khuẩn vẫn là yếu tố then chốt.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn; số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 – 2023 Chính phủ mới ban hành cũng nhấn mạnh các chiến lược phòng dịch phù hợp trong giai đoạn mới như: Thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn – phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.
Theo đó, các biện pháp trong quy định 5K vẫn được giữ vai trò quan trọng và được áp dụng linh hoạt trong điều kiện mới.
“Sau dịch, nhờ quy định 5K, đa số người dân đã hình thành những thói quen tốt về vệ sinh phòng bệnh. Các quy định về đeo khẩu trang, sát khuẩn tay là thói quen thực hiện ở bất cứ điều kiện nào đều phát huy tác dụng. Thậm chí, nếu không có đại dịch, việc đeo khẩu trang khi ra đường cũng vẫn rất tốt, vì nó có thể giúp ngăn bụi, ngăn các yếu tố độc hại, ngăn lây lan các bệnh truyền nhiễm khác. Đây là những thói quen tốt người dân cần duy trì lâu dài. Đặc biệt, hiện biến chủng Omicron rất dễ lây lan, chúng ta chưa thể xem COVID-19 là bệnh lưu hành, bệnh thông thường thì có thể tuân thủ được các nội dung khuyến cáo phòng dịch nào, chúng ta vẫn nên thực hiện”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.
Theobaotintuc.vn