Sản phẩm an toàn của các HTX trên địa bàn tỉnh
Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, Đảng, Nhà nước ta đã chú trọng chỉ đạo xây dựng, phát triển HTX trong các ngành kinh tế. Chỉ trong một thời gian ngắn, sau giai đoạn thí điểm, đến năm 1960 cả nước có hơn 50 ngàn HTX được thành lập trong các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, ngư nghiệp, tín dụng,… thu hút đại bộ phận hộ nông dân, hộ kinh tế cá thể và người lao động tham gia.
Từ năm 1961 đến năm 1965, khu vực KTTT, HTX tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với việc thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý, xây dựng các HTX bậc cao với quy mô được mở rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng ngàn HTX trong các lĩnh vực phi nông nghiệp được thành lập, thu hút hàng triệu quần chúng Nhân dân tham gia. HTX trong các ngành, lĩnh vực ngoài những đóng góp đáng kể về kinh tế, còn có vai trò quan trọng về mặt xã hội, như giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, hỗ trợ các hộ xã viên phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống. HTX còn chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, nâng cao giác ngộ chính trị cho đông đảo quần chúng lao động; đồng thời là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung cán bộ cho địa phương.
Từ năm 1965 đến năm 1975, khi đế quốc Mỹ đưa máy bay ném bom phá hoại miền Bắc, quy mô chiến tranh mở rộng. Với khẩu hiệu “tất cả để chiến thắng”, “tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, “vì miền Nam ruột thịt”… khu vực KTTT, HTX được củng cố, phát triển và trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của hậu phương lớn miền Bắc. Đến cuối năm 1974, toàn miền Bắc có hơn 46 ngàn HTX trong các ngành, lĩnh vực. Hệ thống HTX động viên sự lao động quên mình của các xã viên, vừa sản xuất vừa chiến đấu với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tay cày tay súng”; vừa sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng chi viện miền Nam, vừa tổ chức các đơn vị tự vệ, tham gia chiến đấu, đánh trả máy bay địch, bảo vệ quê hương.
Sau chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, KTTT, HTX được phát triển và lan rộng tới các tỉnh, thành phố phía Nam. Đến năm 1986, khu vực KTTT, HTX phát triển cao nhất so với trước đây, cả nước có 76 ngàn HTX trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, thu hút hơn 20 triệu xã viên tham gia và có những đóng góp to lớn, như HTX nông nghiệp sản xuất hơn 80% sản lượng lương thực, thực phẩm của cả nước. HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sản xuất ra một khối lượng hàng hóa chiếm 30% giá trị sản lượng công nghiệp toàn quốc và gần 50% giá trị sản lượng công nghiệp địa phương. Các HTX kinh doanh chiếm gần 20% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của thị trường xã hội; đại lý thu mua ủy thác hơn 60% sản lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm cho cả nước.
HTX vận tải vận chuyển hơn 45% khối lượng hàng hóa và 50% khối lượng hành khách của các địa phương…
Tuy nhiên, khi cơ chế quản lý tập trung bao cấp được xóa bỏ, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước từng bước được hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế thì phần lớn các HTX trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế không kịp thích ứng. Từ đó, rơi vào tình trạng khó khăn, lúng túng, nhiều HTX sản xuất kinh doanh (SXKD) thua lỗ bị tan rã, giải thể, số lượng HTX giảm mạnh.
Từ năm 1997 trở lại đây, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, khu vực KTTT, HTX có những chuyển biến quan trọng. Các HTX từng bước chuyển đổi và đăng ký lại phù hợp và thích ứng ngày càng tốt hơn với sự biến động của cơ chế thị trường, quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất được tăng cường. Vai trò tự chủ của HTX được đề cao, thành viên tham gia một cách tự nguyện, nhiều HTX xây dựng được phương án hoạt động phù hợp, huy động được sự tham gia đóng góp của thành viên. Mô hình HTX kiểu mới, HTX phát triển SXKD gắn với chuỗi giá trị được hình thành, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nhiều HTX mới được thành lập trong các ngành, lĩnh vực kinh tế với các hình thức tổ chức và phương thức hoạt động đa dạng. Nhiều HTX, thành viên tham gia không chỉ cá nhân mà còn các chủ trang trại, hộ tiểu chủ, nhà khoa học, các cơ sở SXKD nhỏ và vừa. Một số HTX có cả thành viên là doanh nghiệp Nhà nước tham gia. Trong các HTX mới thành lập có nhiều mô hình mới như HTX y tế, vệ sinh môi trường, nước sạch, dịch vụ tang lễ…
Năm 2021, KTTT, HTX tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế. Đáng kể đến là kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi…
Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 27.394 HTX, tăng 2.283 HTX so với cùng kỳ năm 2020; 108 liên hiệp HTX, 119.710 tổ hợp tác. Trong đó có 18.146 HTX nông nghiệp; 2.078 HTX thương mại và dịch vụ; 1.632 HTX vận tải; 2.446 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 850 HTX xây dựng; 523 HTX môi trường; 538 HTX khác và 1.181 Quỹ tín dụng Nhân dân. Khu vực KTTT, HTX thu hút hơn 8 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động tham gia, tăng 23.453 thành viên (đại diện hộ gia đình) so với năm 2020. Thu nhập bình quân mỗi lao động đạt 47,5 triệu đồng/năm.
Bài, ảnh: TRIỀU CHÍNH