Đi lao động ở nước ngoài là con đường thoát nghèo hiệu quả

Tại một buổi học ngoại ngữ, giáo dục định hướng của các bạn trẻ sắp đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Hiệu quả từ những “người thật, việc thật”

“Mười năm Nam tiến không bằng một năm sang Nhật” là câu chuyện có thật của đôi vợ chồng trẻ Lâm Văn Sơn và Trần Thị Quyên, quê ở Quảng Công (Quảng Điền). Theo thông tin từ lãnh đạo UBND xã Quảng Công, gia đình Sơn có đến 4 người cùng đi lao động ở nước ngoài, gồm ba của Sơn (đi Hàn Quốc), em của Sơn (đi Nhật Bản theo chương trình 3 năm) và Sơn cùng vợ đi làm việc ở Nhật theo chương trình ngắn hạn. Sơn cho biết, em đã vào Nam lập nghiệp gần 10 năm nhưng chẳng dư dả được đồng nào, chỉ đủ chi tiêu cá nhân. Thế nhưng, 2 vợ chồng sang Nhật lao động gần 1 năm đã mang về hơn 350 triệu đồng để làm vốn.

Trương Văn Cường, ở xã Vinh Hưng (Phú Lộc) sang Nhật lao động với công việc lắp ráp, sửa chữa công trình xây dựng có thu nhập mỗi tháng trên 20 triệu đồng (đã trừ hết chi phí sinh hoạt). Chỉ trong một thời gian ngắn, Cường đã gửi tiền về để ba mẹ trả hết các khoản vay mượn, chi phí trước khi em lên đường sang Nhật và giúp ba mẹ sửa chữa nhà cửa, mua sắm xe máy để đi lại. Hiện, hằng tháng em vẫn gửi tiền về cho gia đình để tích góp vốn, phòng sau này nếu em quay trở về Việt Nam thì dễ dàng xoay xở trong đầu tư công việc.

Ra Va Lục cũng là gương điển hình lập nghiệp thành công ở xứ sở hoa anh đào sau 3 năm rời quê hương Hồng Hạ, huyện A Lưới. 3 năm làm việc ở Nhật, Ra Va Lục đã giúp gia đình thoát khỏi hộ nghèo, giúp ba mẹ nuôi các em học xong đại học, cao đẳng và xây dựng ngôi nhà khang trang bên chân đèo gần nhà máy Thủy điện A Lưới. Tháng 3 vừa qua, Ra Va Lá, em trai của Ra Va Lục và nhiều bạn trẻ khác cũng đã được một xí nghiệp Nhật Bản tuyển chọn để đào tạo sang Nhật làm việc thông qua cầu nối Văn phòng đại diện Suleco tại Thừa Thiên Huế.

Sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người lao động, nhất là các bạn trẻ đang dần thay đổi tư tưởng, mạnh dạn chọn con đường đi lao động ở nước ngoài để vừa đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao, vừa tích lũy được vốn kiến thức, tay nghề cho bản thân. Qua những năm triển khai mạnh chương trình này, con đường lập nghiệp ở nước ngoài được đánh giá là lựa chọn sáng suốt, phù hợp với những thanh niên trẻ tuổi, năng động, sáng tạo và có ý chí cầu tiến.

Tạo những kênh kết nối đáng tin cậy

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ từng phát biểu rằng, tỷ lệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh đang còn rất thấp. Trong khi đó, cơ hội việc làm ở nước ngoài rất lớn, chỉ cần đi lao động ở nước ngoài 3 năm sẽ có một số tiền lớn và tiếp cận, lĩnh hội những kỹ năng nghề nghiệp tiên tiến trở về đầu tư phát triển.

Đây còn là hướng đi được tỉnh ưu tiên, nhằm giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; giảm nghèo một cách hiệu quả, bền vững và đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong những năm qua, người dân ở địa phương vẫn chưa mặn mà với việc ra nước ngoài lao động và một phần chịu sự ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn ít một phần còn do chính sách hỗ trợ tạo điều kiện và khuyến khích người lao động còn hạn chế, nhất là chính sách hỗ trợ về vốn vay, các khoản phí tư vấn, học phí: đào tạo nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng; chi phí: khám sức khỏe, làm hộ chiếu, tiền ăn trong thời gian học, phí môi giới đóng cho công ty làm dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền mua vé máy bay… Từ đó, rất nhiều người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, nhưng không thể đi được vì không có vốn hoặc thiếu vốn.

Để khắc phục trở ngại lớn này, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ “thông thoáng” hơn. Trong đó, trường hợp người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; thân nhân của người có công với cách mạng; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và chi phí làm thủ tục. Đối với nhóm đối tượng chính sách được hỗ trợ này, giai đoạn 2021- 2025, dự kiến bình quân mỗi năm có 120 lao động được hỗ trợ với mức hỗ trợ bình quân 16,485 triệu đồng/người. Các đối tượng còn lại, dự kiến bình quân mỗi năm có 1.880 lao động được hỗ trợ với mức hỗ trợ (chi phí không hoàn lại) bình quân 2,53 triệu đồng/người.

Về hỗ trợ tiền vay làm chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng, người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp được vay tín chấp 100% chi phí và những đối tượng còn lại được hỗ trợ mức vay tối đa là 80 triệu đồng/lao động.

Cùng với nhiều chính sách của địa phương, các doanh nghiệp hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng áp dụng chính sách hỗ trợ vốn vay riêng; đồng thời lựa chọn thị trường lao động đảm bảo điều kiện lao động tốt, ngành nghề phù hợp, thu nhập cao. Các doanh nghiệp tuyển dụng được kết nối có uy tín, có độ tin cậy cao, có trách nhiệm, không để sai sót, gây ảnh hưởng đến người lao động.

Hiện nay, ngay chính lãnh đạo của rất nhiều xã, phường cũng đã quan tâm và thông tin, chia sẻ kịp thời trên trang mạng, phương tiện truyền thông về những chương trình tuyển chọn lao động đi thực tập kỹ thuật, làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, cũng đã tạo đầu mối uy tín, tin cậy để nhiều thanh niên tin tưởng đăng ký tham gia.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …