“Tôi muốn công khai xin lỗi anh, Chris. Tôi đã sai. Tôi rất xấu hổ, hành động đó của tôi không phải hình ảnh đàn ông mà tôi muốn hướng tới. Không có chỗ cho bạo lực trong thế giới của tình yêu thương và nhân ái” – Will smith viết trên Instagram, và gửi những lời này đến Viện Hàn lâm, nhà sản xuất chương trình, các vị khách tham dự, khán giả trên khắp thế giới: “Tôi vô cùng hối hận vì hành động của mình đã làm vấy bẩn khoảnh khắc tuyệt vời của tất cả chúng ta”.
Cú tát vào mặt Chris Rock của Will Smith tại sân khấu trực tiếp đã làm số đông ngỡ ngàng. Đó là một việc được xem là hy hữu trong một lễ trao giải được truyền hình trực tiếp trên quy mô toàn thế giới. Lấy mái tóc đã được cạo trọc của Jada Pinkett Smith để dẫn chuyện tại buổi lễ, Chris Rock đã phạm sai lầm khi vượt qua giới hạn của một câu đùa. Nhất là khi Jada buộc phải làm điều đó vì chứng rụng tóc. Nhưng hành động sau đó, trên một sân khấu rộng lớn và sang trọng chỉ còn lại hai người của Will Smith lại đã vượt qua một giới hạn của việc nhân danh tình yêu để bênh vực (hoặc trả đũa) cho vợ mình.
Trong mấy ngày vừa qua, rất nhiều dư luận thế giới đã không thôi tranh cãi xung quanh sự việc hy hữu này, cho dù trước đó không phải là không có tiền lệ. Có những người cho rằng, đó là một hành xử có thể chấp nhận/tha thứ/thông cảm trong trường hợp để bênh vực “phe nước mắt”, nhưng một phần không nhỏ thì đồng ý với việc không có chỗ cho bạo lực, dù là trong một sự kiện văn hóa mang tầm thế giới hay bất kỳ một sự kiện nào. Việc để cảm xúc lấn át lý trí là điều không nên có, càng không nên mang danh tình yêu để hành xử theo cách bạo lực như nó đã xảy ra. Cũng không phải là không có những nghi ngờ khác kiểu “thuyết âm mưu” khi cho rằng, hành động đó nằm trong kịch bản, với mục đích để tăng rating cho một lễ trao giải, vốn không được công chúng mặn mà như trước. 56% số lượt view tăng hơn năm ngoái là căn cứ để dư luận đề cập ở “nghi án” này.
Những tranh cãi trong thế giới mạng về cú tát này rồi cũng sẽ nguội dần theo thời gian, dù có thể những người trong cuộc không dễ để vượt qua nó, ngay cả với Jada Pinkett Smith – người mà nhẽ ra, cả Chris Rock và Will Smith mới cần phải xin lỗi trước tiên. Hành xử kiểu “Body shaming” – chê bai, miệt thị ngoại hình – người khác vẫn là một thói tật cố hữu trong thế giới người đời. Chứng bạo hành bằng ngôn ngữ lâu nay vẫn diễn ra, ở khắp mọi nơi mà ngay cả những người sử dụng nó cũng không nhận thấu được những nỗi đau mà họ gây ra. Dường như vẫn chưa có một giới hạn nào để ngăn chặn việc làm xấu xí này, ngoại trừ những người biết cách xem thường những điều đó…
NGUYỄN AN NHIÊN