“Miễn là con hạnh phúc”

Đêm đó trời mưa, tôi nằm nghe mạ thở. Hơi thở đều và nhẹ. Chốc chốc mạ lại trở mình. Có khi, mạ ngồi nhỏm dậy hẳn để bóp bóp cái chân đau. Mỗi khi trời rét, cái chân lại đau hơn. Mạ dường như không ngủ.

Mấy hôm rồi mạ đều rộn ràng như thế. Ai hỏi chi cũng cứ cười cười. Tay cầm cái này, cái kia. Chân thì đi đi lại lại mà không biết sẽ làm điều gì cụ thể. Chẳng là mạ chờ con gái về. Chị báo tin này đã được vài hôm.

Tròn bốn năm chị chưa về lại nhà. Mười sáu năm lấy chồng là y nguyên mười sáu cái tết đón ở phương xa. “May mà thời hiện đại, có cái điện thoại cũng đỡ nhớ” – mạ cứ nói như thế mỗi khi tắt một cuộc gọi. Đó cũng là điều tôi biết mình cần suy nghĩ nhiều – lấy chồng xa.

Chị vô Nam từ thuở mười lăm tuổi, hồi những năm chín mấy. Thời đó ở làng, đi Nam như một giải pháp dành cho tất cả. Ước mơ, hy vọng dường như đặt vào miền đất hứa, cả người đi và người ở lại. Chị bảo năm đó trời hạn, cái giếng múc tay khô cạn, mạ đi vay hai triệu để làm giếng khoan. Một ngày công của chị lúc đó là bảy nghìn đồng, được bao ăn bao ở. Chỉ cần một năm là trả hết khoản vay rồi tính tiếp, chứ cứ ở nhà lại không biết phải xoay xở ra sao. Rồi cũng xong hết nợ, xây được nhà, cho em út đi học đủ đầy thì chị lấy chồng. Một bến đỗ mới, một mảnh đất mới và một cuộc sống rất khác đến.

Nơi chị ở là vùng kinh tế mới của ngày xưa, ngút ngàn cao su, ngút ngàn hồ tiêu. Công việc cứ quanh quẩn tay chân, không ngưng nghỉ và cũng không dư dả gì nhiều. Chỉ khi mùa đông đến, cao su rụng hết lá thì rảnh rang ra được đôi chút. Và khi cành nhánh trở về xôn xao là lúc cuộc sống báo rằng những ngày xuân đã hết, guồng quay mới bắt đầu. Mấy năm nay dịch giã, một cái hẹn trở về bỗng chốc hóa xa xôi. Như lần vừa rồi, cứ đúng hôm đi, đứa con trai khò khè, đứa con gái lên cơn sốt. Đành phải hoãn lại.

Một lần chị gọi hoãn là một lần mạ tiếp tục với tháng ngày mong ngóng. Có nhiều năm, dù đã nhắn rằng không về được vậy mà mạ cứ chờ dài cả mùa xuân. Đến khi sương thôi buông mỗi sáng, và mùa gặt bắt đầu mạ mới trở lại những ngày bình thường nên có.

Giêng hai, nơi phương Nam nắng miên man khắp lối thì miền Trung vẫn còn rủ rỉ với mưa cùng rét. Rét làm con người thích thu lu trong căn nhà của mình, vậy mà cái hôm trước đó mạ lui hui ra vườn. Mạ hái ngò ta, cải, xà lách, tần ô, rau quế, tía tô và cả mấy bụi càng cua từ đâu về trú ngụ. Chẳng là món bánh ướt phải kèm theo rau sống mới đúng điệu. Mạ còn để dành cả miếng thịt heo sạch trữ đông từ mấy hôm tết, rồi dặn dò rất kỹ o bán bánh ướt nhớ mang tới sớm vào ngày mai. Biết con gái yêu mỗi món này, mạ tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Trời vẫn rỉ rả mưa. Rét vẫn sắc lạnh luồn qua khe hở của ngôi nhà. Mạ lấy thêm cái chăn để ủ ấm mà vẫn không sao chợp mắt được. Tay lại sờ cái điện thoại kề bên “Ba giờ hai mươi lăm phút, chắc chị sắp về, con điện hỏi xem”. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhớ lại những ngày giáp tết rộn ràng của rất nhiều năm về trước, lòng mạ cũng nao nao y như bây giờ. Nơi ô cửa sổ ngày cũ, mạ cứ nhỏm dậy nhìn, xem trời đã sáng chưa.

Bây giờ, sau rất nhiều dấu hiệu của thời gian và trước những quyết định lớn của cuộc đời, tôi không khỏi băn khoăn. Liệu thêm một đứa con đi xa nữa, tháng ngày trằn trọc như đêm nay có dài thêm với mạ?

“Miễn là con hạnh phúc thì bao xa cũng gần” – tiếng mạ thì thầm bên thềm ngày vui mới.

YÊN THƯỜNG

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …