Giá vàng đang tăng cao. Ảnh: LT
Khi giá vàng liên tiếp lập đỉnh trong thời gian qua, có thời điểm lên tới gần 74 triệu đồng/ lượng, người dân vẫn lao đi mua vàng. Để rồi ngay sau đó, không ít người đã phải ngơ ngác tiếc nuối vì một khoản tiền không nhỏ đội nón ra đi cùng với cơn sốt giá vàng. Cho dù tới thời điểm này, giá vàng vẫn cao, vẫn trong vùng chốt lời của một số nhà đầu tư nhưng khí thế hừng hực, sôi sục lên vì vàng đã giảm đi rất nhiều. Vàng lại quay trở lại với vòng xoáy vốn dĩ của nó, mua và tích trữ, chờ giá lên, cho dù chưa biết bao giờ giá lại lên nhưng vẫn yên tâm vì đa phần người dân đã coi vàng là một sự bảo hiểm tốt nhất cho tài chính gia đình, một nơi trú ẩn an toàn nhất.
Nhưng cũng chính lúc này đây, câu chuyện về quản lý vàng lại được hâm nóng trở lại. Đề án huy động vàng trong dân bao năm nay vẫn ngủ yên. Nhưng dù là lập sàn vàng quốc gia hay các ngân hàng thương mại lại được phép huy động vàng thì các chuyên gia kinh tế đều cho là có nhiều bất ổn và đưa ra nhiều ý kiến, lập luận khác nhau. Người thì cho rằng, vàng trong dân là rất lớn nhưng khi huy động được, Nhà nước sẽ sử dụng như thế nào khi nguồn cung tiền cho nền kinh tế tăng lên và phải tìm giải pháp thực hiện các hợp đồng phát sinh để phòng ngừa rủi ro vốn chẳng hề dễ dàng và gây thêm áp lực cho ngân hàng Trung ương. Người thì khẳng định, huy động vàng mà chưa đưa ra được phương án là huy động như thế nào, lãi suất bao nhiêu, phương án trả lãi như thế nào, gửi vào rút ra có thuận tiện hay không, cơ chế nào để phòng ngừa rủi ro về giá vàng cho người dân… sẽ rất khó thực hiện. Chưa nói tới việc vàng trong dân tuy lớn nhưng lại nằm rải rác ở nhiều nơi. Còn nữa, nếu Nhà nước huy động vàng cho đầu tư thì lại càng phải tính toán, cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng…
Vì thế, lúc này đây, câu chuyện về vàng vẫn chủ yếu xoay quanh giá lên giá xuống, căn cứ theo giá vàng thế giới và cả những quy luật khó có thể kiểm soát được của giá vàng trong nước như tác động do xung đột quân sự Nga- Ukraina. Ngoại trừ những người mua vàng với mục đích đầu cơ, kinh doanh thì đang có một số lượng không nhỏ người dân mua vàng để tích lũy, để bảo đảm an toàn tài chính cho gia đình và cá nhân mình. Vì dù ở đâu, bao giờ, dù trong thời chiến hay trong thời bình, quan niệm đã ăn sâu bén rễ trong người dân vẫn là vàng luôn có giá trị đích thực và so với các loại tiền giấy khác thì giữ vàng sẽ yên tâm hơn hẳn.
Suy nghĩ đó của người dân là có cơ sở nhưng nếu để buông, để mặc kệ vàng trôi nổi trong dân cũng không phải là biện pháp hữu hiệu. Quan trọng hơn cả vẫn là làm sao để người dân yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh thay vì tích trữ vàng; người dân tin tưởng vào giá trị của đồng tiền Việt Nam, vào sự ổn định của tỷ giá, chính sách, hay nói cách khác là tin tưởng vào sự ổn định, phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Như thế thì cơn sốt vàng mới giảm và hiện tượng vàng hóa trong dân như thời gian qua mới được hạn chế.
Trọng Nhân