Mùa biển động, người dân chỉ có thể đi dạo ngắm biển. Ảnh: MC
“Biển mùa ni động dữ dội lắm, nghề làm lưới rồng như anh em bạn chú nghỉ ở nhà chơ đi làm mô được cháu”, tiếng chú Trọng ở Hải Thành, Thuận An đằm đẹ, có vẻ như chú đã quá quen với khung lịch thời vụ nghề của mình rồi. Tôi nghe xung quanh có vài tiếng trò chuyện nho nhỏ, anh em bạn nghề đang ngồi uống trà tại nhà chú.
Có lần chứng kiến cảnh làm việc của chú Trọng và bạn nghề vào một sớm mùa hè năm ngoái trên biển Thuận An, tôi từng phân vân, nghề lưới rồng của chú Trọng quả thật là nghề xưa còn lại, đánh bắt cá kiểu này thì không làm thiệt hại môi trường, nhưng bây giờ là thời của máy móc, công nghệ, nghề cá cũng được trang bị hiện đại, vươn khơi xa bờ hàng trăm hải lý thì những người làm nghề như chú Trọng chỉ đủ ăn và bấp bênh.
Cuộc đi biển của nhóm chú Trọng sau ba giờ đồng hồ, anh em về lại nhà chú Trọng uống nước trà. Chú bảo làm ăn càng ngày càng khó, những tàu đánh bắt xa bờ đã “đón” những luồng cá ở ngoài khơi xa, có luồng cá nào lọt vào thì đến những thuyền đánh cá ở tầm trung, lọt nữa thì mới đến những người làm lưới rồng như chú, lượng cá vào bờ ngày càng ít là vì vậy. “Nói vậy nhưng cũng có những ngày chú và bạn nghề trúng đậm, còn lại thì cũng tạm đủ ăn, bữa nào khó quá thì cũng kiếm đủ tiền dầu”, chú Trọng nói thêm khi thấy tôi cứ lo lắng nếu chỉ đủ tiền dầu mãi thì sao giữ nghề được.
Nhưng không bám nghề, bám biển thì những người như chú Trọng cũng không biết làm gì hơn.
Nghề kéo lưới rồng ở Thừa Thiên Huế hiện còn ở một số khu vực dân cư dọc bờ biển ở Vinh Hiền (Phú Lộc). Riêng ở Thuận An, ngoài nhóm chú Trọng còn thêm một nhóm nữa. Mùa kéo lưới rồng trong năm cao điểm khoảng từ tháng hai đến tháng tám âm lịch, những tháng còn lại tùy theo thời tiết, chỉ cần đài báo có mưa hay gió mạnh trên biển là đã ở nhà rồi. Nghề lưới rồng đánh bắt cá không xa, chỉ cách bờ khoảng dưới 500m nhưng thuyền của các chú yếu, không thể nào đương đầu với sóng gió nên ở nhà là an toàn.
Tháng Giêng, tháng Hai, trong tâm hồn những người dân làng biển Thuận An (nay đã trở thành phường Thuận An, TP. Huế) luôn nghĩ về mùa lễ hội của làng mình – lễ cầu ngư. Chú Nguyễn Hứ – Chi hội trưởng tổ dân phố Hải Thành, phường Thuận An mong ước hết dịch bệnh để Thuận An rộn ràng với không khí lễ hội cầu ngư, “chứ ba năm ni vắng bóng lễ cầu ngư rồi cháu ơi, nhớ và buồn ghê luôn. Năm 2020, mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi đâu vào đấy rồi, đùng một cái dịch bùng phát, thế là đành dẹp hết, mất hơn hai trăm triệu đồng chuẩn bị mọi thứ đó cháu”. Chú Nguyễn Hứ giọng đầy hy vọng chia sẻ kế hoạch “bây giờ chỉ mong hết dịch COVID-19 để năm 2023 tổ chức lễ cầu ngư. Không phải dễ mà làm đâu, muốn tổ chức đầu năm 2023 thì ngay từ giữa năm 2022 này là phải chuẩn bị mọi thứ rồi đó cháu”.
Ngày 1/7/2021 là ngày đánh dấu mốc thời gian TP. Huế mở rộng địa giới, hướng biển mở về đến Thuận An. Thành phố hướng biển là một hướng mở phóng khoáng trong phát triển kinh tế. Thuận An sẽ thế nào khi lên thành phố “sẽ là một khu du lịch biển, sẽ là một làng nghề sinh động giữa lòng thành phố, sẽ phát triển du lịch biển và nghề biển như nhiều thành phố cổ ở gần biển trên thế giới”, tôi nghe rất nhiều chia sẻ từ các nhà nghiên cứu, những người đã đi du lịch nhiều trên thế giới nêu ý kiến như thế. Đem điều này hỏi chú Trọng, chú cho biết: “Chú và anh em bạn nghề cũng sẽ xin tham gia vào làm du lịch, đánh bắt lưới rồng cho khách du lịch xem và cho họ tham gia luôn”. Tôi chia sẻ ngay: “Ý tưởng của chú rất hay, rất hợp thời đó chú”.
Câu chuyện ấy diễn ra cách đây cũng nửa năm rồi. Thuận An những ngày này đang biển động mạnh, chú Trọng và bạn nghề của chú không đi làm được. Nghề biển, mỗi năm cộng lại cũng chỉ làm được tối đa tám hay chín tháng. “Rứa chơ biển nuôi sống mọi nhà đó cháu ơi” – câu nói từ một người từng trải hơn 60 năm với nghề biển như chú Trọng, tôi hiểu đó là một lời cảm ơn được nói theo cách rất cụ thể của người miền biển. “Ngày nào biển yên thì bạn nghề ra khơi thôi, cuộc sống cũng đơn giản vậy thôi mà”.
Xuân An