Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc mới COVID-19 trung bình tuần qua là hơn 100.000 ca/ngày. Số ca mắc mới tuy tăng cao, nhưng số ca chuyển nặng và tử vong do COVID-19 lại giảm sâu.
Trong tháng 2/2022, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9%, nhưng số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Điều này chứng tỏ việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao, cũng như công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, ca tử vong do COVID-19 theo tinh thần của Công điện 1815/CĐ-TTg vào cuối năm ngoái của Thủ tướng Chính phủ đã đi vào thực tế.
Ngoài việc chăm sóc, điều trị hợp lý thì tỷ lệ bao phủ vắc-xin ngừa COVID-19 cao, kịp thời cũng góp phần quan trọng vào việc khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe toàn dân. Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin với đối tượng từ 18 tuổi trở lên, mũi 1 là 100%, mũi 2 gần 100% và mũi 3 trên 37,4%; với đối tượng từ 12-17 tuổi, mũi 1 gần 100% và mũi 2 trên 93,5%…
Nhờ vậy, việc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhất là trong phục hồi và phát triển kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4%, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 42,6 nghìn doanh nghiệp; thu hút vốn FDI tiếp tục phục hồi, trong đó vốn đăng ký điều chỉnh tăng cao tới 123,8%.
Riêng trên địa bàn Thừa Thiên Huế, tính đến cuối tháng 2/2022, có 116 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 890,4 tỷ đồng, tăng 38,1% về lượng và tăng 44% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 213 doanh nghiệp, tăng 73 doanh nghiệp. Thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm trên địa bàn ước đạt 1.811 tỷ đồng, tăng 2,2%; trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 73,7 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ… Đây là tín hiệu khả quan cho Thừa Thiên Huế nói riêng, cả nước nói chung trong phát triển sản, xuất kinh doanh trong năm 2022.
Tuy nhiên, số ca dương tính COVID-19 (F0) tăng cao trong cộng đồng thời gian gần đây đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Tình trạng người dân đổ xô đi mua kít xét nghiệm, thuốc điều trị COVID-19, về nhà tự test quá mức cần thiết đã đẩy mặt hàng này trở nên khan hiếm. Đây cũng là nguồn cơn cho nạn găm hàng, buôn lậu, quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội… liên quan đến thiết bị, thuốc điều trị COVID-19.
Theo nhiều chuyên gia y tế, mỗi người cần định hình một tâm thế mới, ngay cả khi tiếp xúc gần F0, không cần xét nghiệm ngay, mà chỉ test khi có triệu chứng. Vì có test nhanh ngay sau khi tiếp xúc với F0, cũng không cho kết quả chính xác; phải có thời gian nhất định để virus nhân lên thì xét nghiệm mới cho kết quả chính xác…
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 5/3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, cũng không hoang mang, bám sát tình hình để có giải pháp phù hợp, từng bước “bình thường hóa” với dịch COVID-19.
Đây cũng là một trong những cách để kiểm soát và đẩy lùi dịch COVID-19 được hiệu quả, ổn định tâm lý xã hội; góp phần duy trì và phát triển kinh tế trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong 2 tháng đầu năm 2022.
ĐẶNG THÀNH