Cảng Chân Mây có khả năng tiếp nhận các tàu biển lớn trên thế giới
Vị trí quan trọng
Theo thống kê, có khoảng 195.000 Teus (đơn vị đo lường sức chứa hàng hóa theo ᴄontainer) đang đi ngang qua Cảng Chân Mây (ra, vào Cảng Đà Nẵng từ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và nước Lào). Khoảng cách tiết kiệm được khi sử dụng Cảng Chân Mây khoảng 70km bằng xe tải một chiều. Tính ra kinh phí tiết kiệm từ việc không phải di chuyển qua hệ thống hầm Hải Vân, ước tính khoảng 70 USD mỗi lượt khứ hồi.
Đối với Thừa Thiên Huế, có 1 khu kinh tế là Chân Mây – Lăng Cô và 6 khu công nghiệp gồm Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa, Quảng Vinh và có hơn 80 doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ xuất, nhập hàng hóa bằng container với nhiều mặt hàng như: Frit, sợi, vải, bông, quần áo, gỗ, thực phẩm, men beer, bao bì, nguyên liệu may mặc, dây chuyền thiết bị máy móc, khoáng sản và thủy, hải sản… Hầu hết 85% hàng hóa xuất, nhập qua Cảng Đà Nẵng, có một vài đơn hàng do điều kiện giao hàng nên phải chuyển xuất ở Sài Gòn hoặc Hải Phòng.
Nhiều DN ở Khu công nghiệp Phú Bài đưa ra phân tích, đối với vận chuyển hàng hóa, không chỉ có di chuyển trên đường và cần phải có bến bãi, kho dự trữ hàng hóa tại nhà máy và cả tại cảng biển. Trong khi đó, tại Chân Mây thiếu điểm dự trữ nên các tàu ít lựa chọn. Khi làm một phép tính đơn giản là giữa vận chuyển hàng hóa từ Khu công nghiệp Phú Bài đến Cảng Chân Mây và Đà Nẵng khi hai bên có dịch vụ như nhau sẽ tiết kiệm rất nhiều cho DN. Khi giảm khấu hao về logistics, sẽ có giá sản phẩm tốt hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Được biết, Cảng Đà Nẵng đang khai thác hết công suất, nhiều đơn hàng phải vận chuyển đi các tỉnh xa hơn, điều này càng làm tăng chi phí đối với DN. Trong khi đó, theo các chuyên gia, Cảng Chân Mây hội tụ mọi điều kiện, yếu tố để mở rộng quy mô, hình thành dịch vụ ᴄontainer. Hầu hết các DN đều rất ủng hộ và kỳ vọng Cảng Chân Mây sớm triển khai dịch vụ container, mở line định tuyến để rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm thiểu chi phí logistics, tiết kiệm được thời gian, góp phần mang lại sự thành công cho DN.
Lãnh đạo tỉnh cũng đã định hướng, ủng hộ, khẳng định tạo điều kiện thuận lợi, luôn đồng hành, ủng hộ với quyết tâm cao nhất góp phần đưa Cảng Chân Mây phát triển, xứng tầm là cảng biển quốc tế với quy mô, dịch vụ hiện đại, là điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn cho các hãng tàu, du khách. Với định hướng đó, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phát triển dịch vụ logistics; xây dựng các trung tâm logistics tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tạo ra tính liên kết vùng.
Lập quy hoạch, tiến đến tính hiện đại
Muốn thực hiện và làm được hàng container, bên cạnh định hướng, các chính sách và sự đầu tư đồng bộ cũng như vai trò “nhạc trưởng’” của Nhà nước là rất quan trọng. Khi tuyến container được hình thành và duy trì tại Chân Mây, sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần tăng nguồn thu, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung.
Ông Trần Trọng Thông, Trưởng văn phòng đại diện Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh thông tin, vừa qua, UBND tỉnh đã thông qua chủ trương quy hoạch phát triển tại Cảng Chân Mây. Khu Cảng Chân Mây được quy hoạch khu dịch vụ logistics với diện tích trên 50ha, định hướng trở thành khu dịch vụ logistics hạng I; trong 50ha sẽ có khoảng 23ha làm nơi dịch vụ container.
Theo ông Thông, có một yếu tố mà dư luận quan tâm là phát triển giữa công nghiệp và đón khách du lịch bằng tàu biển. Quan trọng là lập lại quy hoạch, đảm bảo gọn gàng, quy mô theo quy hoạch. Khi đó, cảng biển sẽ rất hiện đại và sạch sẽ bài bản.
Lãnh đạo Cảng Chân Mây cho biết, Cảng Chân Mây sở hữu 760 mét cầu bến, độ sâu trước bến 12m, đáp ứng được mọi điều kiện cần thiết để tiếp nhận tàu hàng tổng hợp có trọng tải đến 70.000 DWT, tàu container có sức chứa 4.000 Teus và tàu khách có tổng dung tích đến 225.282 GRT. Mới đây, bến cảng số 2 vào hoạt động với định hướng chiến lược là thực hiện thành công việc tiếp nhận dịch vụ container, hướng đến trở thành “đại lý” của các hãng tàu trong nước cũng như quốc tế.
Một yếu tố tích cực tác động nữa là trong khoảng thời gian gần đây các hoạt động triển khai các dự án các khu công nghiệp trong tỉnh, như Khu công nghiệp Phú Bài, Khu công nghiệp An Hòa và Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; tại Quảng Trị như Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Khu công nghiệp Quán Ngang diễn ra khá sôi nổi. Sự hình thành các khu công nghiệp này sẽ tạo ra một lượng cầu rất lớn trong lĩnh vực vận tải biển. Đây thực sự là một trong những cơ hội tốt cho Cảng Chân Mây đầu tư mở rộng tiếp nhận hàng khai thác hàng container, thành tố chính trong phát triển dịch vụ logistics.
Bài, ảnh: ĐẠI PHONG