Hoa ngô đồng – biểu tượng tinh thần của Huế, không chỉ là cây xanh mà còn là dấu ấn của triều đại vương quyền. Với vẻ đẹp tinh tế, thanh thoát, ngô đồng đã trở thành điểm đến lãng mạn và đầy ý nghĩa cho giới trẻ Huế và cả nước.
Ngô Đồng – Biểu Tượng Tâm Linh Của Huế
Ngô đồng đến Huế không phải bằng con đường của những loài cây thông thường. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, thời Minh Mạng, hai cây ngô đồng đầu tiên được mang về từ Quảng Đông, được cho trồng nơi Đại Cung Môn như một biểu tượng. Sau đó, vua sai biền binh lên rừng tìm cây, mang về nhân giống và trồng tại các góc điện. Có lẽ, sâu xa hơn, vị vua ấy không chỉ trồng cây ngô đồng, mà đang gieo xuống đất Thần Kinh một ước vọng: đất này cũng có thể dưỡng nên linh khí của đế vương, cũng có thể đón chim phượng hoàng về đậu.
Thế nên, cây ngô đồng trong lòng Huế không chỉ là một sinh thể thực vật, mà là một dấu ấn tâm linh, một giấc mơ dựng triều của những bậc đế vương phương Nam.
Ngô Đồng – Vẻ Đẹp Dịu Dàng của Huế
Huế có thói quen giữ lại mọi vẻ đẹp trong một lớp sương mờ. Ngô đồng cũng thế. Nó không phô trương như phượng, chẳng rực rỡ như hoa gạo, cũng chẳng ngát hương như hoa sữa hay ngọc lan. Nó chọn nở vào cuối xuân, đầu hạ – khi mùa chưa kịp chuyển thân, khi nắng chỉ vừa mới nhẹ gõ vào tường thành cũ. Hoa bung nở khi cây gần như rụng hết lá. Trên cành khô, chỉ còn những chùm hoa tím nhạt, thanh thoát và phiêu lãng. Như thể hoa không mọc từ cành, mà mọc từ một khoảng lặng nào đó trong tâm tưởng.
Ngô Đồng – Sự Hiện Diện trong Văn Hóa Huế
Trong nhạc cụ truyền thống Huế, gỗ ngô đồng – gọi là cầm mộc – là lựa chọn hàng đầu để làm đàn tranh, đàn tỳ bà. Người thợ xứ Huế xưa có cách chờ gỗ khô tự nhiên, không sấy, không ép, để từng thớ gỗ ngấm thời gian, hài hòa cùng khí hậu Huế. Gỗ ấy làm nên tiếng đàn thanh mà ấm, lảnh lót mà sâu. Một tiếng đàn tranh giữa trưa tháng Tư, có khi khiến lòng người như chạm phải một nốt trầm của nỗi nhớ không tên. Tôi chợt nhớ những câu thơ rất hay của Phùng Tấn Đông trong bài thơ “Nghe tiếng đàn tranh ở Huế”: Mùa nào bắt đầu khi mười ngón tay em chạm xuống đàn tranh/ Mùa hạ vơi đầy trên mặt nước sông/ Mùa xuân tần ngần trên cây trên lá…
Nguồn thông tin được tham khảo từ: huengaynay.vn
Nội dung được biên tập, sáng tạo thêm bởi: thuathienhue.org